Hôm 21/4, phát biểu tại hội nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) về nhu cầu hỗ trợ tài chính cho Ukraine, Chủ tịch WB David Malpass, cho biết, thiệt hại vật chất trực tiếp về nhà cửa, hạ tầng của Ukraine do cuộc chiến tại nước này cho đến nay khoảng 60 tỉ USD.

Thiệt hại này là tính toán sơ bộ ban đầu và không bao gồm các thiệt hại gián tiếp về kinh tế.

"Tất nhiên chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, vì vậy những thiệt hại đang tiếp tục tăng.", ông Malpass lưu ý.

Trong một bài phát biểu trực tuyến qua màn hình trước hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nêu rõ những thiệt hại to lớn của nước này do cuộc chiến và nhu cầu tài chính của Kyiv khoảng 7 tỉ USD mỗi tháng để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế.

leftcenterrightdel
Cuộc chiến Ukraine gây thiệt hại lớn về hạ tầng, nhà cửa cho nước này. Ảnh: Reuters/ Alexander Ermochenko. 

“Chúng tôi sẽ cần hàng trăm tỉ đô la để tái thiết sau cuộc chiến.”, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết.

Trước chi phí tái thiết Ukraine được nhìn nhận là rất lớn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà  Janet Yellen, cho rằng, Nga cần gánh vác một số chi phí cho mục đích này.

Bà Yellen nhắc đến khả năng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ở Mỹ để tái thiết Ukraine, cho đó là một "bước đi quan trọng" cần các cuộc thảo luận và thỏa thuận với các đối tác quốc tế.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass. Nguồn: Reuters.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, người trực tiếp tham dự hội nghị, cho biết, GDP của Ukraine có thể giảm từ 30% - 50%, với tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp lên tới 560 tỉ USD cho đến nay, lớn gấp hơn 3 lần quy mô nền kinh tế Ukraine, ở mức 155,5 tỉ USD vào năm 2020.

Ông Shmyhal nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết chấm dứt cuộc chiến hiện nay, bằng không thiệt hại sẽ tiếp tục tăng cao; đồng thời cho biết, Ukraine sẽ cần một kế hoạch tái thiết tương tự như Kế hoạch Marshall năm 1948 để tái thiết châu Âu thời hậu Thế chiến Hai.

Không chỉ thiệt hại đối với Ukraine, Chủ tịch WB David Malpass cũng nhắc đến một cuộc khủng hoảng nợ đang diễn biến tồi tệ, là một trong hai vấn đề lớn mà tăng trưởng toàn cầu phải đối mặt, khi 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần hoặc có rủi ro cao.

leftcenterrightdel
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến trong cuộc họp của WB. Nguồn: @WorldBank.

Theo người đứng đầu WB, lạm phát là một vấn đề lớn khác đối với tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, Chủ tịch WB cho biết ông quan tâm sâu sắc đến các nước đang phát triển, vốn đang phải đối mặt với việc tăng giá năng lượng, phân bón và thực phẩm và khả năng lãi suất tăng.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, dự kiến tăng lãi suất, chiến tranh Nga-Ukraine WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022 từ mức 4,1% xuống còn 3,2%.

Các cuộc khủng hoảng nợ và mất giá tiền tệ là gánh nặng đè nặng lên người nghèo. WB cảnh báo, cứ tăng một điểm phần trăm giá lương thực, thì 10 triệu người sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn thế giới.

Văn Phong/Reuters, WB, Tân Hoa xã