Trả lời phỏng vấn CNN hôm 17/4 về khoản viện trợ quân sự 800 triệu USD mới nhất của Mỹ để hỗ trợ lực lượng của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết "Sẽ không bao giờ là đủ” và Kyiv cần nhiều vũ khí hơn nữa.
"Có một cuộc chiến toàn diện đang diễn ra lúc này, vì vậy chúng tôi vẫn cần nhiều hơn những gì đang có hiện nay.”, ông Zelensky bày tỏ, lưu ý, Ukraine không có lợi thế về kỹ thuật quân sự như Moscow và trong cuộc chiến này, Kyiv quá chênh lệch so với tiềm lực quân sự của đối thủ.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh, trận chiến phía trước ở Donbas mà trước mắt là thành phố cảng Mariupol "có thể ảnh hưởng đến tiến trình của toàn bộ cuộc chiến", đồng thời cho biết Kyiv không có ý định từ bỏ lãnh thổ ở miền đông đất nước để kết thúc chiến tranh.
Ông Zelensky cũng cảnh báo, nếu Nga có thể chiếm được vùng Donbas, thì hoàn toàn có thể tiếp tục nỗ lực giành quyền kiểm soát thủ đô Kyiv.
Trong gói viện trợ mới, Mỹ thông báo sẽ gửi 18 khẩu trọng pháo 155mm và 40.000 viên đạn pháo cùng nhiều vũ khí hạng nặng khác, tuy nhiên một quan chức Washington cảnh báo, số vũ khí này có thể được sử dụng hết trong vòng vài ngày khi giao tranh khốc liệt ngày càng gia tăng ở Donbas.
|
|
Vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine. Nguồn: artsakh.news |
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh CBS cùng ngày 17/4, Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cũng cho rằng, mặc dù đợt viện trợ quân sự mới nhất của Washington là đáng kể, tuy vậy từng đó vẫn không thấm tháp so với yêu cầu của Ukraine.
"Những gì người Ukraine cần kíp lúc này là hỏa lực tầm xa, tên lửa, pháo, máy bay không người lái, những vũ khí có thể cản trở hoặc phá hủy các hệ thống đang gây ra rất nhiều thiệt hại ở các thành phố Ukraine.”, ông Hodges nói.
Đang có những lo ngại về việc Ukraine có thể cạn kiệt đạn dược nhanh chóng khi giao tranh khốc liệt gia tăng ở Donbas, nơi Nga đang cố gắng bao vây và cô lập các lực lượng Ukraine trong mục tiêu kiểm soát khu vực. Nga cũng báo hiệu có thể có hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn luồng vũ khí từ Mỹ và NATO. Đây là một thách thức mới mà Mỹ và đồng minh phải đối mặt trong việc làm thế nào hỗ trợ hiệu quả và kịp thời hơn vũ khí cho Ukraine.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền Biden và các đồng minh hiện nay là xác định "lằn ranh đỏ" của nhà lãnh đạo Nga Putin nằm ở đâu và họ có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến mức nào mà không kích động Nga mở rộng chiến tranh, có khả năng khiến quân đội NATO gặp tổn hại.
Khi Washington chuẩn bị gửi gói viện trợ 800 triệu USD vào tuần trước, Nga đã cảnh báo trong một công hàm gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, nói, có thể sẽ có những "hậu quả khó lường" nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Các chuyên gia quân sự lo ngại Nga có thể cân nhắc việc nhắm mục tiêu vào các đoàn xe tiếp tế của NATO vận chuyển vũ khí tới biên giới Ukraine.