Theo Washington Post, Moscow đã gửi một công hàm ngoại giao, chính thức phản đối việc Mỹ tiếp tục chuyển vũ khí cho Ukraine; cảnh báo Washington có thể phải đối mặt với “những hậu quả khó lường” nếu việc này được tiếp tục.
Cảnh báo của Nga nói, việc Mỹ và NATO giao các hệ thống vũ khí “nhạy cảm nhất” cho Ukraine, hành động chẳng khác “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Một quan chức ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận bất kỳ thư từ ngoại giao “riêng tư” nào, tuy nhiên khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine.
“Điều mà chúng tôi có thể xác nhận là, cùng với các đồng minh và đối tác, chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ an ninh trị giá hàng tỉ đô la, mà các đối tác Ukraine của chúng tôi đang sử dụng hiệu quả để bảo vệ đất nước..”, nhà ngoại giao Mỹ cho biết.
|
|
Ukraine nhận tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp ngày 11/2. Ảnh: AFP / Sergei SUPINSKY. |
Hôm 13/4, tuyên bố báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói, Mỹ chi viện trợ quân sự khẩn cấp trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, là đợt viện trợ quân sự thứ 8 cho Kyiv, kể từ tháng 8/2021, nâng tổng số viện trợ quân sự của Mỹ lên 2,4 tỉ USD, chỉ tính riêng từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2.
Đợt hỗ trợ mới bao gồm trọng pháo cỡ nòng 155mm, xe bọc thép, trực thăng, máy bay và tàu chiến không người lái, cũng như thiết bị hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện thực địa; ngoài ra, bổ sung các tên lửa chống tăng và phòng không,..
“Chúng tôi cùng các đồng minh và đối tác sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh, viện trợ nhân đạo và hỗ trợ kinh tế cho Ukraine.”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Theo một quan chức quân sự cấp cao của Washington, chuyến bay đầu tiên từ Mỹ thực hiện gói viện trợ mới cho Ukraine dự kiến sẽ đến đích trong 24 giờ, ở một vị trí gần biên giới Ukraine.
Không chỉ chuyển vũ khí cho Kyiv, các quan chức Lầu Năm Góc đã gặp các nhà thầu quốc phòng để thảo luận về việc tăng tốc sản xuất các khí tài quân sự mà Ukraine sẽ cần để tiếp tục chiến đấu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, John Kirby tiết lộ.