Ngày 2/4, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, đã phát hiện một tên lửa đạn đạo tầm trung- xa (IRBM) được bắn từ khu vực Bình Nhưỡng vào lúc 6h53’ sáng trước đó cùng ngày, hướng ra vùng biển phía đông.

Tin không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã rơi xuống vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên biển Nhật Bản. Chưa có báo cáo về thiệt hại về tàu thuyền hoặc máy bay.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, Tokyo phản đối vụ phóng của Triều Tiên đe dọa an ninh khu vực; nhấn mạnh, các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

leftcenterrightdel
 Hướng đi của tên lửa trong vụ phóng mới nhất của Triều Tiên. Ảnh chụp màn hình, nguồn: NHK.

Ông Kishida cho biết Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân trong khu vực.

Vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên diễn ra 15 ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un giám sát cuộc tập trận sử dụng bệ phóng rốc két đa nòng siêu lớn ở khu vực phía Tây nước này.

Sự kiện cũng đánh dấu vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ ba của Triều Tiên trong năm nay.

Vào ngày 14/1, Triều Tiên đã bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn mang đầu đạn siêu thanh.

leftcenterrightdel
 Vụ phóng tên lửa đạn đạo siêu thanh nhiên liệu rắn hôm 14/1 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/4, Triều Tiên tuyên bố sẽ thúc đẩy phát triển chương trình không gian và tái khẳng định kế hoạch phóng nhiều vệ tinh do thám trong năm nay, sau khi đưa vệ tinh đầu tiên loại này Malligyong-1 vào quỹ đạo vào tháng 11 năm ngoái.

Sau vụ phóng tên lửa Malligyong-1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố, nước này có kế hoạch đưa thêm 3 vệ tinh do thám vào quỹ đạo trong năm nay.

“Việc phóng thành công vệ tinh trinh sát Malligyong-1 vào năm ngoái đã mang lại tiến bộ đáng kể về năng lực phòng thủ quốc gia và dự kiến sẽ có một số vụ phóng trong năm nay.”, KCNA dẫn tuyến bố của ông Pak Kyong-su, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia Triều Tiên (NATA), nói.

leftcenterrightdel
 Triều Tiên phóng thành công vệ tinh do thám Malligyong-1 bằng tên lửa đẩy loại mới Chollima-1 vào đêm ngày 22/11/2023. Ảnh: KCNA.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển không gian nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập cơ quan phát triển vũ trụ của Triều Tiên (1/4/2013), ông Pak cho biết, Bình Nhưỡng đang nỗ lực sử dụng vệ tinh cho nhiều mục đích khác nhau như nông nghiệp, ngư nghiệp, quan trắc khí tượng, thông tin liên lạc, thăm dò tài nguyên, quản lý đất đai và phòng chống thiên tai.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói, Seoul đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giám sát các cơ sở trọng yếu của Triều Tiên nhằm phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của các vụ phóng như vậy.

“Bất kể mục đích mà Triều Tiên tuyên bố là gì, bất kỳ vệ tinh nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.”, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Koo Byung-sam nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 1/4.

Văn Phong/Yonhap, Kyodo