Sáng 18/11, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) về phía vùng biển phía Đông, được cho để phản ứng động thái của Mỹ và đồng minh tăng cường khả năng răn đe mở rộng đối với Bình Nhưỡng, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết.

JCS đã phát hiện vụ phóng từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng lúc 10h15’ sáng. Tên lửa đã bay khoảng 1.000 km ở độ cao khoảng 6.100 km với tốc độ tối đa Mach 22.

Theo một nguồn tin quốc phòng Hàn Quốc, ICBM vừa được Triều Tiên phóng khả năng là Hwasong-17, tương tự tên lửa được Triều Tiên phóng vào ngày 3/11.

Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu, tên lửa được bắn về phía đông vào khoảng 10h14’ sáng theo quỹ đạo cao từ khu vực gần bờ biển phía tây Bán đảo Triều Tiên và rơi bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở biển Nhật Bản, cách đảo Oshima-Oshima, ngoài khơi Hokkaido, phía bắc Nhật Bản, khoảng 200 km về phía tây. Tuy nhiên Tokyo đã không ban hành lệnh đánh chặn nó.

leftcenterrightdel
 Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 được phóng thử từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào ngày 24/3. Nguồn: KCNA/AFP.  

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết, tên lửa đã bay trong khoảng 69 phút, có khả năng bay hơn 15.000 km và vươn tới đất liền Mỹ nếu nó bay theo quỹ đạo thông thường.

"Triều Tiên đang lặp lại các hành động khiêu khích với tần suất chưa từng có và không thể chấp nhận được.”, Thủ tướng Nhật Bản Kishida nói với các phóng viên khi đang dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bangkok, Thái Lan, đồng thời cho biết, không có báo cáo về thiệt hại đối với máy bay hoặc tàu thuyền sau vụ phóng. Ông cũng cho biết yêu cầu các bộ liên quan thông tin cho công chúng về vụ phóng, khuyến cáo người dân cảnh giác trước các diễn biến tiếp theo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án mạnh mẽ hành động “khiêu khích” của Triều Tiên.

“Vụ phóng là một sự vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và làm gia tăng căng thẳng một cách không cần thiết, cũng như có nguy cơ gây mất ổn tình hình an ninh trong khu vực. Mỹ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho đất nước và các đồng minh.”, ông Biden tuyên bố.

leftcenterrightdel
 ICBM Triều Tiên phóng sáng 18/11 rơi bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở Biển Nhật Bản. Nguồn: BQP Nhật Bản/NHK.

Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ba quốc gia khác là Canada, Australia và New Zealand đã họp khẩn khi đang tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bangkok, lên án mạnh mẽ vụ phóng.

Hwasong-17 được mệnh danh là tên lửa “quái vật” bởi kích thước khổng lồ của nó. Nó được biết là mang nhiều đầu đạn và có tầm bắn khoảng 15.000 km, đủ để bao phủ toàn bộ lục địa Mỹ.

“Vụ phóng ICBM của Triều Tiên lần này là một hành động khiêu khích và đe dọa nghiêm trọng, làm suy yếu hòa bình và ổn định không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên và vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.”, JCS bày tỏ trong một tuyên bố với truyền thông; nhấn mạnh, quân đội Hàn Quốc luôn duy trì tư thế sẵn sàng vững chắc đáp trả áp đảo bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên, trong khi theo dõi và giám sát các hoạt động liên quan với sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ.

Chủ tịch JCS, tướng Kim Seung-kyum và Tư lệnh Bộ chỉ huy Liên quân Mỹ - Hàn, tướng Paul LaCamera, đã tổ chức các cuộc tham vấn trực tuyến về vụ phóng, tái khẳng định cam kết duy trì tư thế phòng thủ vững chắc hơn của đồng minh, theo JCS.

leftcenterrightdel
 Tên lửa "Quái vật" ICBM Hwasong-17 trên khung gầm bánh lốp 11 trục, biểu tượng sức mạnh bất khả chiến bại của Triều Tiên.  Nguồn: frontierindia.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đánh giá vụ phóng không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ Mỹ hoặc các đồng minh; cho biết, Washington lên án vụ phóng hôm 18/11, kêu gọi Triều Tiên kiềm chế; tuyên bố, các cam kết “sắt đá” của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh là không thay đổi.

Vụ phóng diễn ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui cảnh báo nước này sẽ có những hành động quân sự quyết liệt hơn nếu Mỹ tăng cường cam kết an ninh, sử dụng tất cả khả năng quân sự, bao gồm cả lựa chọn hạt nhân, để bảo vệ các đồng minh.

Ngay sau tuyên bố của bà Choe Son-hui, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng ra biển Nhật Bản.

Phản ứng của Triều Tiên diễn ra sau cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản bên lề hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Phnom Penh, Campuchia hôm 13/11. Các nhà lãnh đạo 3 nước đã nhất trí hợp tác để tăng cường khả năng răn đe, cùng phối hợp để đưa ra phản ứng chung trong trường hợp Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân.

Theo các nguồn tin, Triều Tiên đã thử nghiệm một ICBM Hwasong-17 vào ngày 3/11. Vụ phóng đã không thành công.

Các nhà quan sát cho biết Triều Tiên đã đạt được bước tiến trong chương trình ICBM của mình, tuy nhiên chưa rõ việc liệu Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ tái nhập khí quyển hay chưa.

Văn Phong/Yonhap, Kyodo