Sơ tán khẩn cấp
Trong một thông báo hôm 12/8, Lầu Năm Góc nói sẽ cử 3 tiểu đoàn, khoảng 3.000 binh sĩ, đến sân bay quốc tế Kabul trong vòng 24 đến 48 giờ tới giúp bảo đảm trật tự và an ninh cho nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ sơ tán.
Anh cho biết, nước này cũng sẽ gửi 600 binh sĩ tới Afghanistan. Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, cho biết nước này đang sơ tán đại sứ quán từ Vùng Xanh ở ngoại ô Kabul đến một địa điểm có khả năng an toàn hơn gần trung tâm thành phố.
Có tới 200 nhà ngoại giao và nhân viên an ninh của Anh đang được sơ tán, nhưng con số chính xác không được tiết lộ. Anh cũng dự kiến sẽ sơ tán hơn 4.000 cựu nhân viên vốn là công dân Afghanistan được cấp thị thực vào nước này. Các chính phủ phương Tây khác cũng đang đẩy nhanh kế hoạch sơ tán nhân viên đại sứ quán trong bối cảnh lo ngại về sự tấn công dồn dập của Taliban trên khắp đất nước.
Các lực lượng đặc biệt của Canada sẽ triển khai đến Afghanistan, nơi các nhân viên đại sứ quán ở Kabul sẽ được sơ tán trước khi đóng cửa, một quan chức Ottawa nói với AP hôm 12/8.
|
|
Các chiến binh Taliban được “chào đón” sau chiến thắng ở tỉnh Laghman, Afghanistan. Ảnh: AFP. |
Trong một thông báo hôm 12/8, Đại sứ quán Đức tại Kabul đã kêu gọi tất cả công dân nước này rời khỏi Afghanistan nhanh nhất trên các chuyến bay thương mại; lưu ý: "Khả năng hỗ trợ lãnh sự cho công dân Đức là rất hạn chế".
Động thái của Mỹ và các quốc gia NATO diễn ra trong bối cảnh Taliban liên tiếp giành chiến thắng trước lực lượng Chính phủ Afghanistan tại nhiều thành phố lớn ở cả hai miền nam, bắc, dần xiết chặt vòng vây, uy hiếp thủ đô Kabul.
Hôm12/8, Taliban tuyên bố kiểm soát Kandahar và Herat, thành phố lớn thứ hai và ba của Afghanistan, sau Kabul. Đây là hai chiến thắng quân sự lớn nhất của Taliban kể từ khi lực lượng này bắt đầu một cuộc tấn công diện rộng khắp Afghanistan vào tháng Năm.
Người phát ngôn của Taliban nói, sự thất thủ của các thành phố lớn là dấu hiệu cho thấy người Afghanistan “chào đón” lực lượng này.
Để minh chứng cho chiến thắng, Taliban đã công bố các hình ảnh thực địa trên trang của lực lượng này. "Như bạn thấy đấy, chúng tôi đang ở bên trong trụ sở cảnh sát Herat.", một chiến binh Taliban nói trong đoạn video được chia sẻ bởi người phát ngôn Qari Yousuf Ahmadi.
|
|
Nhiều người dân bắt đầu rời khỏi Kabul sau khi Taliban tuyên bố đã chiếm được Kandahar hôm 12/8 và đang tiến về thủ đô. Ảnh: Paula Bronstein / Getty. |
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã nói chuyện với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 12/8, trong đó nhấn mạnh Mỹ sẽ vẫn hỗ trợ an ninh để bảo đảm sự ổn định của Afghanistan; đồng thời cam kết hỗ trợ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ dự kiến sẽ rút bớt sự hiện diện ngoại giao thường trực ở Afghanistan trong những tuần tới; lưu ý, không có gì đảm bảo rằng đại sứ quán Mỹ sẽ vẫn mở cửa.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết sẽ tăng tần suất các chuyến bay cho những phiên dịch người Afghanistan được cấp thị thực nhập cư đặc biệt, vốn nỗ lực hỗ trợ lực lượng Mỹ và NATO những năm qua.
Trước đó, Liên Hợp Quốc cảnh báo một cuộc tấn công khốc liệt của Taliban vào thủ đô sẽ có "tác động thảm khốc đối với dân thường".
Không chia sẻ quyền lực
Tại Qatar, các đặc phái viên quốc tế tham gia các cuộc đàm phán Afghanistan đã kêu gọi thúc đẩy tiến trình hòa bình là "vấn đề cấp bách" và yêu cầu ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công vào các thành phố.
Hôm 12/8, Taliban cũng đã chiếm được Ghazni, nằm trên tuyến quốc lộ huyết mạch nối Kandahar ở miền nam với thủ đô Kabul.
Tốc độ và tình hình bạo lực của cuộc tấn công của Taliban đã khiến nhiều người Afghanistan bất bình về quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
|
|
Phần lãnh thổ do Taliban kiểm soát (màu đỏ) đến ngày 12/8, màu xám cho lực lượng Chính phủ kiểm soát, màu hồng đang tranh chấp. Nguồn: Longwarjournal. |
Hôm 10/8, ông Biden cho biết, không hối tiếc về quyết định rút quân của mình, đồng thời lưu ý Washington đã chi hơn 1 nghìn tỉ USD cho cuộc chiến dài và tốn kém nhất của Mỹ với tổn thất nhân mạng của hàng nghìn binh sĩ; nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ không quân, lương thực, thiết bị và tài chính đáng kể cho các lực lượng Afghanistan.
Trong một thỏa thuận hòa bình đạt được với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm ngoái, quân nổi dậy đã đồng ý không tấn công các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu khi họ rút đi. Taliban cũng cam kết cùng với Chính phủ Afghanistan thảo luận về một tiến trình hòa bình cho đất nước vốn lún sâu trong bao lực, xung đột hàng chục năm qua.
Với tốc độ tiến công của Taliban, triển vọng về áp lực ngoại giao đến tình hình trên thực địa ở Afghanistan dường như bị hạn chế.
|
|
Người dân Afghanistan di tản từ một trại tạm cư các tỉnh phía bắc đến các nhà thờ Hồi giáo và trường học ở Kabul vào ngày 12/8. Ảnh: Paula Bronstein / Getty. |
Al Jazeera dẫn một nguồn tin chính phủ Afghanistan cho biết, họ đã đề nghị Taliban chia sẻ quyền lực nếu bạo lực dừng lại. Trong khi người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid tuyên bố, không biết về bất kì lời đề nghị nào như vậy và loại trừ việc chia sẻ quyền lực.
"Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kì lời đề nghị nào như vậy vì chúng tôi không muốn trở thành đối tác của chính quyền Kabul. Chúng tôi sẽ không làm việc dù chỉ một ngày với họ.", ông Mujahid nói.
Các đặc phái viên quốc tế tại Doha, những người đã tham gia các cuộc hòa đàm cùng phái đoàn Chính phủ Afghanistan và đại diện của Taliban, một lần nữa đưa ra cảnh báo, cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận bất kì chính quyền nào ở Afghanistan "được áp đặt thông qua sử dụng vũ lực".
Chính phủ Anh cũng lưu ý Taliban rằng, lực lượng này muốn được quốc tế công nhận, họ cần giành được sự ủng hộ của người dân Afghanistan, điều mà một cuộc tấn công quân sự thuần túy sẽ không đạt được.
Huy Anh/Reuters, Theguardian.