Trong một nỗ lực “cải tổ” và thanh lọc lực lượng tình báo, người đứng đầu quân đội cũng là Chủ tịch Hội đồng chủ quyền Sudan- có vai trò như nguyên thủ quốc gia tập thể, tướng Abdel Fattah al-Burhan đã cách chức ít nhất 8 tướng lĩnh tình báo hàng đầu và thay thế người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội, các nguồn tin chính thức ở Sudan cho biết hôm 28/11.
Quyết định của tướng al-Burhan được đưa ra một tuần sau khi ông đạt được thỏa thuận phục chức cho Thủ tướng Abdalla Hamdok, người đã bị ông phế truất và quản thúc tại gia trong một cuộc đảo chính ngày 25/10.
|
|
Tướng Abdel Fattah al-Burhan. Ảnh: Tribune. |
Các nguồn tin cho biết, trong số các sĩ quan bị cách chức, 5 người đang giữ các vị trí cấp cao và đã tại vị từ trước khi Tổng thống lâu năm của Sudan Omar al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019. Trước đó, hôm 27/11, các nguồn tin chính thức cho biết, tướng Burhan đã thay thế người đứng đầu Cơ quan tình báo và an ninh quốc gia.
Không rõ các quyết định của người đứng đầu quân đội Sudan có tác động gì đến cán cân quyền lực sau khi ông Hamdok trở lại vị trí Thủ tướng. Cùng trong ngày 27/11, ông Hamdok tuyên bố đã cách chức người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia và cấp phó của ông này, sau khi an ninh sử dụng súng đạn chống lại những người biểu tình phản đối sự chi phối chính trị của quân đội những tuần qua, khiến 42 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.
|
|
Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok. Ảnh: Tribune. |
Nhiều người trong các nhóm ủng hộ dân chủ đã phản đối thỏa thuận giữa tướng Burhan và Thủ tướng Hamdok, cho rằng đó là hành động thỏa hiệp với quân đội, trong khi ông Hamdok giải thích ông hành động để ngăn chặn xung đột.
Các nhóm dân chủ tiếp tục hậu thuẫn các cuộc biểu tình ở Sudan đòi quân đội rời khỏi chính trường hoàn toàn nhường chỗ cho dân sự và những kẻ thực hiện cuộc đảo chính phải được đưa ra công lý.
|
|
Người biểu tình phản đối quân đội can thiệp chính trường. Nguồn: Abdalla Hamdok/F. |
Trong một diễn biến khác, hôm 27/11, những tù chính trị bị quân đội bắt giữ hôm xảy ra đảo chính 25/10 còn chưa được thả tự do theo nội dung thỏa thuận, đã tiến hành tuyệt thực để phản đối sự giam giữ tùy tiện của giới quân sự. Trước tình huống này, thêm một số chính trị gia được trả tự do, tuy vậy, nhiều người khác vẫn tiếp tục bị giam giữ.
Mỹ, Anh và Na Uy, những nước dẫn đầu chính sách đối ngoại của phương Tây đối với Sudan, đã kêu gọi giới quân sự nước này trả tự do cho tất cả những người bị bỏ tù vì quan điểm chính trị.
"Đây là những bước đi cần thiết để củng cố lòng tin và đưa Sudan trở lại tiến trình tự do và dân chủ.", tuyên bố chung của các quốc gia nói.