Ngày 13/9, truyền thông Nga dẫn các nguồn tin cho biết, cùng ngày tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Anh Keir Starmer.

Dự kiến, lãnh đạo hai nước sẽ quyết định về khả năng dỡ bỏ lệnh cấm hiện hành đối với các cuộc tấn công quân sự của Ukraine bằng vũ khí tầm xa của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Mặc dù chính quyền Mỹ đã công bố các chủ đề sẽ được thảo luận, bao gồm tình hình chiến sự ở Dải Gaza, bảo vệ tàu thuyền ở Biển Đỏ trước Hezbollah và quan hệ song phương Washington- London, nhưng cuộc chiến Ukraine sẽ là chủ đề trung tâm trong chương trình nghị sự.

Trong đó, nội dung mấu chốt của cuộc gặp vẫn là câu hỏi liệu Mỹ và Anh có cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công vào sâu lãnh thổ Nga hay không.

Hôm 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây, Ukraine không thể tiến hành các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, bởi để làm được điều này, cần có dữ liệu tình báo từ vệ tinh của các nước NATO và những nhiệm vụ bay cụ thể.

Ông Putin cảnh báo, sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột Ukraine sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột. Nga sẽ buộc phải đưa ra quyết định dựa trên những mối đe dọa phát sinh theo tình huống mới.

leftcenterrightdel
 Tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow dài 5 m, nặng 1,3 tấn, tầm bắn hơn 250 km. Ảnh: AFP/Getty. 

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, các nước NATO giờ đây không chỉ thảo luận về khả năng Kyiv sử dụng tên lửa tầm xa của họ mà trên thực tế, đang quyết định xem có nên can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine hay không.

Hôm 11/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ông sẽ truyền đạt tới Tổng thống Biden kết quả thảo luận về chủ đề này sau chuyến thăm Kyiv.

Ngoại trưởng Anh David Lammy, người cùng có chuyến thăm Kyiv với ông Blinken, cũng có ý định làm điều tương tự.

Vấn đề tấn công vào sâu lãnh thổ Nga bằng vũ khí của Mỹ đã gây ra tranh cãi trong nước, do lo ngại xung đột leo thang.

Trong bức thư gửi ông Biden, nhóm nghị sĩ dẫn đầu Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã kêu gọi Tổng thống dỡ bỏ các hạn chế và cho phép Kyiv thực hiện những cuộc tấn công như vậy.

Các nghị sĩ Cộng hòa cũng chỉ trích việc chính quyền Mỹ ngăn cản Anh và Pháp cho phép Kyiv sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow và SCALP của những nước này cho mục đích nói trên.

Tờ Axios của Mỹ dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul nói, Ngoại trưởng Blinken trong chuyến thăm Ukraine có ý định nói với Kyiv rằng, Mỹ sẽ cho phép sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Bản thân ông Biden trước đó cho biết, chủ đề này đang được bàn thảo.

leftcenterrightdel
 Tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS được phóng bởi hệ thống tên lửa phóng loạt M270 MLRS. Nguồn: Army.mil

Tại Mỹ, Tổng thống thường bị các chính trị gia cấp tiến thân Ukraine chỉ trích vì cách tiếp cận được cho là thận trọng của ông trong việc thông qua các biện pháp mới để hỗ trợ quân sự cho Kyiv, mặc dù kết quả là Ukraine nhận được vũ khí mới và các biện pháp hỗ trợ khác từ người đứng đầu Nhà Trắng ngày càng nhiều hơn.

Liên quan đến lập trường của London, Thủ tướng Starmer tránh trả lời câu hỏi liệu ông có ủng hộ việc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow của Anh để tấn công lãnh thổ Nga hay không.

Trước thềm cuộc gặp Biden- Starmer, tờ British Times dẫn nguồn tin cho biết, Mỹ có thể cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Anh và Pháp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhưng sẽ duy trì các hạn chế về việc sử dụng vũ khí của Mỹ cho những mục đích này “với hi vọng ngăn chặn cuộc xung đột leo thang hơn nữa”.

Tờ The Guardian tiết lộ, Anh đã quyết định cho phép Ukraine dùng tên lửa Storm Shadow tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, nhưng điều này sẽ không được công bố chính thức trong những ngày tới.

Theo tin truyền thông, quyết định này sẽ không được công bố công khai vào ngày 13/9, khi ông Starmer gặp Biden tại Washington.

Trong khi tờ Telegraph dẫn nguồn tin trong Chính phủ Anh cho biết, Tổng thống Mỹ Biden có thể dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng Storm Shadow của Anh để tấn công Nga. Việc Washington cho phép áp dụng những tên lửa này là cần thiết vì chúng được sử dụng đồng bộ với các hệ thống của Mỹ.

Văn Phong/Sputnik