Mỹ trong những tuần gần đây đã bí mật chuyển tên lửa ATACMS tầm xa tới Ukraine để sử dụng trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga, và Ukraine hiện đã sử dụng chúng hai lần, một quan chức Mỹ cho biết ngày 24/4.
Quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ các tên lửa này nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt vào ngày 12/3, tuy nhiên nguồn tin không cho biết có bao nhiêu tên lửa đã được gửi đi.
Các tên lửa này được sử dụng lần đầu tiên vào rạng sáng ngày 17/4, nhắm vào một sân bay Nga ở Crimea, cách chiến tuyến Ukraine khoảng 165 km; lần thứ hai vào đêm 24/4 để chống lại lực lượng Nga ở đông nam Ukraine, nguồn tin nói.
|
|
Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS và tên lửa ATACMS. Nguồn: mil.in.ua / Mariusz Burcz. |
Tại một cuộc họp báo, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, xác nhận, một “số lượng đáng kể” tên lửa ATACMS, nằm trong danh mục đạn của hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS, đã được gửi đến Ukraine; lưu ý, những tên lửa như vậy sẽ được gửi thêm, một số nằm trong gói vũ khí mới trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine mà Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt hôm 24/4.
Ông cho biết Ukraine đã cam kết chỉ sử dụng vũ khí bên trong Ukraine chứ không phải trên lãnh thổ Nga.
Việc có nên gửi Hệ thống tên lửa Chiến thuật Quân đội (ATACMS) với tầm bắn lên tới 300 km sang Ukraine hay không là chủ đề tranh luận trong chính quyền Biden trong nhiều tháng. ATACMS tầm trung được cung cấp vào tháng 9 năm ngoái.
|
|
Quân đội Mỹ khai hỏa tên lửa ATACMS trong một cuộc tập trận tại vùng biển phía đông Hàn Quốc, ngày 5/7/2017. Nguồn: US Army/ Reuters. |
Lầu Năm Góc ban đầu phản đối việc triển khai phi đạn tầm xa vì lo ngại việc mất phi đạn khỏi kho dự trữ của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Cũng có lo ngại rằng Ukraine sẽ sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.
Quan chức Mỹ cho biết, việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa do Triều Tiên cung cấp để chống lại Ukraine vào tháng 12/2023 và tháng 1 năm nay, bất chấp những cảnh báo công khai và riêng tư của Mỹ về việc không làm như vậy, đã dẫn đến sự thay đổi này.
Ngoài ra, theo nguồn tin, một yếu tố nữa trong quyết định của Mỹ là việc Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
|
|
Binh sĩ Mỹ triển khai tên lửa ATACMS trong một cuộc tập trận tại Queensland, Úc, ngày 26/7/2023. Nguồn: US Army. |
“Chúng tôi đã cảnh cáo Nga về những điều đó. Họ đã đổi mới mục tiêu của họ.”, quan chức Mỹ nói.
Vào cuối tháng 1, quân đội Mỹ đã tìm ra cách để giải quyết mối lo ngại của họ về mức độ sẵn sàng của quân đội, điều này giúp chính quyền có thể tiến lên phía trước. Họ bắt đầu mua các phi đạn mới từ dây chuyền sản xuất của công ty Lockheed-Martin.
Ông Biden đã gặp nhóm an ninh quốc gia của mình vào giữa tháng 2 và đồng ý chấp nhận khuyến nghị của các cố vấn về việc gửi tên lửa tới Ukraine.
Ông Biden đã yêu cầu nhóm của mình đưa ATACMS tầm xa vào gói tài trợ này, nhưng thực hiện một cách bí mật để duy trì an ninh cho hoạt động và tạo bất ngờ cho Ukraine.
|
|
Tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS được phóng bởi hệ thống tên lửa phóng loạt M270. Nguồn: Army.mil |
Phản ứng trước động thái của Mỹ tăng cường viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, hôm 23/4, Sputnik dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matvienko nói, tên lửa ATACMS sẽ bị bắn hạ giống như tất cả các tên lửa khác. Và, việc chuyển chúng cho Kyiv về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Trong khi ngày 25/4, bình luận về việc Mỹ sẽ cung cấp viện trợ quân sự mới cho Ukraine, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov tuyên bố, toàn bộ thiết bị, vũ khí sẽ bị quân đội Nga đốt cháy.
“Các nguồn viện trợ quân sự của Mỹ và các vệ tinh của nước này cung cấp cho Ukraine đã bị đốt cháy, đang bị đốt cháy và sẽ bị đốt cháy bởi Lực lượng Vũ trang Nga. Người dân Nga hoàn toàn đoàn kết xung quanh Tổng thống Vladimir Putin, quân đội và hải quân của chúng tôi. Tất cả các mục tiêu và mục đích của chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ đạt được.”, ông Antonov tuyên bố; lưu ý, việc cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa chỉ làm cho tình hình trầm trọng thêm.