Phạm vi ảnh hưởng gấp đôi
Núi Phú Sĩ là một trong những biểu tượng đặc trưng của Nhật Bản, là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ trong nhiều thế kỷ và là điểm không thể bỏ qua của khách du lịch. Nó cũng là một ngọn núi lửa đang hoạt động.
Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã công bố bản đồ sửa đổi nguy cơ ảnh hưởng núi lửa cho núi Phú Sĩ lần đầu tiên sau 17 năm. Điều này được đưa ra khi các dữ liệu và tính toán mới cho thấy, dòng dung nham từ một vụ phun trào lớn có thể lan ra xa tới 40km tính từ đỉnh núi.
Hội đồng quản lý thảm họa núi Phú Sĩ đã cập nhật bản đồ nguy cơ dựa trên các nghiên cứu và dữ liệu địa lý mới nhất, với dự đoán về lượng dung nham trong trường hợp phun trào quy mô lớn. Các ước tính gần đây cho thấy, một vụ phun trào có thể giải phóng 1,3 tỷ mét khối dung nham, nhiều gấp đôi so với ước tính trước đây với nhiều miệng núi lửa hơn.
|
|
Theo các dữ liệu và tính toán mới, phạm vi ảnh hưởng của dung nham lên đến 40km trong trường hợp núi lửa Phú Sĩ phun trào quy mô lớn. Nguồn: CG/NHK. |
Theo những ước tính này, dòng dung nham có thể tiếp cận thêm 12 thị trấn và thành phố ở ba tỉnh, bao gồm cả thành phố Uenohara, tỉnh Yamanashi, nằm cách đỉnh núi hơn 40km.
Bản đồ mới cũng cho thấy một vụ phun trào lớn sẽ ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn hơn của thành phố Fujinomiya, tỉnh Shizuoka, bao gồm khu vực phía bắc trung tâm thành phố. Dung nham cũng có thể chảy tới đường cao tốc Chuo và tuyến JR Chuo, nối Tokyo với Nagoya.
Lần phun trào cuối cùng của núi Phú Sĩ xảy ra ngày 16/12/1707 và kéo dài cho đến tháng 1 năm sau. Các ghi chép từ cho biết, một ngôi làng cách miệng núi lửa khoảng 10km đã bị chôn vùi.
Thống đốc Shizuoka Kawakatsu Heita, người đứng đầu Hội đồng quản lý thảm họa núi Phú Sĩ, cho biết, nhóm sẽ sử dụng bản đồ rủi ro mới để điều chỉnh kế hoạch sơ tán cho các khu vực có thể bị ảnh hưởng. Mặc dù phần lớn các vụ phun trào gần đây của núi Phú Sĩ chỉ có quy mô nhỏ, nhưng ông đã cảnh báo về những quan điểm đánh giá thấp rủi ro.
Núi lửa Mt. Otake trên đảo Suwanose phun trào
Trong một diễn biến liên quan, một ngọn núi lửa trên hòn đảo phía tây nam Nhật Bản đã phun trào vào cuối ngày 30/3.
Vụ phun trào xảy ra tại miệng núi lửa Mt. Otake trên đảo Suwanose của tỉnh Kagoshima lúc 20h05’ tối 30/3.
|
|
Núi lửa Otake phun trào ngày 28/12/2020 và phun trào trở lại ngày 30/3. Ảnh: HayakawaYukio. |
Sáng 31/3, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã nâng mức cảnh báo hoạt động núi lửa thêm một bậc lên 3 trên thang điểm 5, cảnh báo người dân không nên đến gần miệng núi lửa.
Sau vụ phun trào vào đêm 30/3, núi lửa lại phun trào vào lúc 2h57’ rạng sáng 31/3, tác động tới những tảng đá lớn nằm cách miệng núi lửa gần 1 km.
|
|
Núi lửa Otake phun trào đầu tháng 1/2010. Ảnh: tboeckel. |
JMA cảnh báo về khả năng những tảng đá lớn bị ném lên không trung trong bán kính khoảng 2 km từ miệng núi lửa.
Cuối năm ngoái trong bối cảnh hoạt động núi lửa tăng cường, JMA cũng đã nâng mức cảnh báo lên 3 vào ngày 28/12.