Tăng cường vũ khí tầm xa cho Ukraine

Hôm 27/5, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận gửi các hệ thống tên lửa tầm xa tới Ukraine.

Các hệ thống được đề cập có thể là Hệ thống rocket dẫn đường phóng loạt (M31 GMLRS), tầm bắn từ 70 - 500 km tùy theo loại đạn. 

Việc chuyển giao các vũ khí này là một phần của gói vũ khí tiếp theo được Mỹ tài trợ cho Ukraine, sẽ được công bố vào tuần tới. 

leftcenterrightdel
 Hệ thống rocket dẫn đường phóng loạt (M31 GMLRS). Nguồn: Focus.ua

Ngoài M31 GMLRS, gói vũ khí có thể bao gồm Hệ thống pháo phản lực cơ động cao đặt trên xe bánh lốp (HIMARS).

Cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết Washington vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc chuyển giao Pháo phản lực phóng loạt (MLRS) tới Ukraine, điều mà truyền thông Mỹ nói nhằm ngăn chặn xung đột leo thang.

Tuy vậy, theo The Wall Street Journal, Washington đã thông qua việc chuyển giao MLRS cho Kyiv, thứ có khả năng tấn công xa hơn nhiều so với bất kì hệ thống pháo nào mà Ukraine đang sở hữu.

leftcenterrightdel
 HT pháo phản lực bánh lốp (M142 HIMARS). Nguồn: trumpeter-china.com

Trong khi đó, ngày 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov tiết lộ, Kyiv đã bắt đầu nhận tên lửa chống hạm Harpoon từ Đan Mạch và pháo tự hành từ Mỹ.

Lời cảnh báo từ Nga

Hôm 28/5, Thượng nghị sĩ Nga tại khu vực Crimea, Sergei Tsekov, nói với RIA Novosti, nếu Mỹ giao vũ khí tầm xa cho Ukraine sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng.

"Nếu những tên lửa này mà bay tới các thành phố của Nga, điều này có thể dẫn đến một phản ứng tương xứng từ Moscow.", chính trị gia Nga cảnh báo.

leftcenterrightdel
 Pháo phản lực phóng loạt M270A1 MLRS. Nguồn: Wikipedia.

Ông Tsekov lưu ý, quyết định cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine là thiếu sáng suốt, sẽ dẫn đến leo thang, kéo dài cuộc khủng hoảng, thay vì "tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình".

Nga trước đó đã gửi công hàm tới nhiều nước, kể cả Mỹ, cảnh báo việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý, bất kì hàng hóa nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga. 

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, các nước NATO đang "đùa với lửa" bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine. 

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov lưu ý, việc trang bị vũ khí từ phương Tây cho Ukraine không đóng góp vào thành công của các cuộc đàm phán Nga-Ukraine, ngược lại sẽ có tác động tiêu cực.

Văn Phong (Theo TASS, RIA Novosti)