Trả lời phỏng vấn trên tờ UnHerd News mới đây về việc Nga coi những trường hợp nào có thể biện minh được cho hành động tấn công hạt nhân, Phó đại diện thường trực Liên bang Nga tại LHQ, Dmitry Polyansky, nói, những nước đe dọa một cường quốc hạt nhân phải dè chừng khả năng có đòn đáp trả.

“Tôi nghĩ nếu anh gây chuyện với một cường quốc hạt nhân, nếu anh đe dọa một cường quốc vũ trang hạt nhân, thì anh nên tính đến tất cả các tình huống.”, nhà ngoại giao Nga nói, nhấn mạnh ông không phải giới chức quân đội và không thể trả lời đầy đủ câu hỏi đặt ra.

Phó đại diện thường trực LB Nga tại LHQ lưu ý đến thực tế Nga là cường quốc hạt nhân nên việc sử dụng chúng là có thể xảy ra "nếu có mối đe dọa hiện hữu".

leftcenterrightdel
Hệ thống tên lửa chiến lược Topol-M của Nga. Ảnh: Sputnik / Ramil Sitdikov. 

Bình luận về khả năng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Polyansky cảnh báo, sau khi hai nước này gia nhập NATO và tiếp theo đó có thể là việc triển khai quân của Liên minh trên lãnh thổ của mình, thì cả hai đều có thể trở thành mục tiêu của lực lượng vũ trang Nga: “Nếu có các đơn vị quân đội NATO triển khai trên lãnh thổ các quốc gia này, thì những vùng lãnh thổ đó sẽ trở thành mục tiêu, hoặc mục tiêu khả thi cho đòn tấn công”.

Hôm 12/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev bày tỏ quan điểm cho biết, một cuộc xung đột tiềm tàng giữa NATO và Nga có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ông lưu ý rằng "cuộc xung đột như vậy luôn có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện", đồng thời chỉ ra rằng tình huống đó sẽ là thảm họa đối với tất cả.

Trước đó, trả lời đài phát thanh Komsomolskaya Pravda về câu hỏi liệu tình hình xung quanh Ukraine có thể đạt tới "điểm sôi hạt nhân" hay không, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, nói, phản ứng từ phía Nga có chăng chỉ là khi phải đáp trả đòn tấn công hạt nhân.

Văn Phong/Sputnik