Viết trên Twitter hôm 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ biết ơn Đan Mạch vì đã thông báo việc nước này sẽ cung cấp hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon giúp Ukraine bảo vệ bờ biển của mình.

Cho đến nay, Ukraine đã nhận được nhiều viện trợ vũ khí từ phương Tây, tuy nhiên phần lớn là các hệ thống tầm ngắn như vũ khí chống tăng Javelin và pháo. Kyiv hiện đang tìm kiếm các loại vũ khí tiên tiến hơn như phòng không, tên lửa chống hạm và tên lửa tầm xa hơn để phá vỡ sự phong tỏa của Nga ở Biển Đen.

Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy việc chuyển giao cho Ukraine vũ khí chống hạm khi các cảng của nước này bị phong tỏa bởi tàu và thủy lôi, trong hoàn cảnh tên lửa chống hạm Neptune của Kyiv đang thiếu hụt.

leftcenterrightdel
 Tên lửa Harpoon trên đất liền được phóng từ xe tải. Nguồn: Cơ quan quốc phòng Taiwan.

Hệ thống Phòng thủ bờ biển Harpoon (HCDS) do Boeing, Mỹ chế tạo có thể được sử dụng để đẩy hải quân Nga ra khỏi các cảng của Ukraine ở Biển Đen, cho phép nước này trở lại xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác.

“Đây là một bước đi quan trọng và được tính toán nhằm nâng cao năng lực và cường độ tác chiến của Ukraine đối phó với Nga.”, Tom Karako, nhà nghiên cứu cấp cao và Giám đốc Dự án Phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và cuốc tế (CSIS) nhận định; nhấn mạnh, các loại vũ khí này sẽ ngăn chặn hiệu quả khả năng chiến hạm Nga tấn công Ukraine từ Biển Đen và các vùng biển khác.

leftcenterrightdel
 Tên lửa Harpoon có quỹ đạo hành trình tầm thấp, lướt trên biển với sự dẫn đường bằng radar chủ động. Nguồn: Defbrief.

Các nguồn tin Mỹ tiết lộ, một số quốc gia sẵn sàng gửi Harpoons đến Ukraine. Nguồn tin nói thêm, các quốc gia này không muốn là nơi đầu tiên hoặc duy nhất gửi Harpoon cho Ukraine, vì lo ngại Moscow trả đũa một khi tên lửa do họ cung cấp giúp đánh chìm tàu Nga.

Theo một nguồn mở, tên lửa Harpoon tầm bắn lên đến 400 km, có quĩ đạo hành trình tầm thấp, lướt trên biển với sự dẫn đường bằng radar chủ động.

Công nghệ mới giúp phát triển nó trở thành loại tên lửa tấn công ngoài tầm phòng không được mở rộng tầm bắn (SLAM-ER), khiến nó được xem là loại tên lửa chống hạm hiệu quả và đáng sợ nhất của Hải quân Mỹ.

SLAM-ER có thể tấn công các mục tiêu di động trong mọi thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Được dẫn hướng và điều khiển bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hình ảnh hồng ngoại, SLAM-ER có thể được điều khiển từ xa trong khi đang bay, có thể chuyển hướng đến một mục tiêu khác sau khi phóng. 

Văn Phong (theo Reuters)