Hôm 29/6, tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Madrid, Tây Ban Nha, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết tăng cường lực lượng tới châu Âu, khi NATO nhất trí tăng cường các biện pháp răn đe quy mô nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, để đáp trả hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Cam kết "bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của đồng minh" được Washington đưa ra khi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cũng đang khởi động một kế hoạch mới nhằm củng cố khả năng phòng thủ khu vực Baltic và Ba Lan, đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga trong tương lai, mà theo ông Biden, tấn công một thành viên được coi là tấn công vào NATO.

Trong khi quân đội Đức, Anh và các đồng minh khác đang trong tình trạng sẵn sàng để triển khai tới biên giới phía đông của khối, Mỹ cũng đang bổ sung thêm 100.000 binh sĩ tới châu Âu, đặc biệt tại khu vực Baltics và Romania, cùng với tàu chiến, máy bay,...

leftcenterrightdel
 Hội nghị thượng đỉnh NATO, Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6. Ảnh: koko.ng

Trước mắt, NATO đặt mục tiêu thiết lập các căn cứ lâu dài ở khu vực Baltics, nơi có 2 quốc gia là Phần Lan và Thụy Điển đang xin gia nhập liên minh, tăng 10 lần số binh sĩ hiện diện trong khu vực, so với con số 5.000 quân trước khi diễn ra hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như bổ sung các hệ thống phòng thủ trên không và trên biển.

Về lâu dài, các nhà lãnh đạo NATO nhất trí mục tiêu đưa hơn 300.000 quân trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, so với con số khoảng 40.000 quân hiện nay.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu ý, xung đột hiện nay đã phá vỡ hòa bình ở châu Âu và tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất của khu vực kể từ sau Thế chiến 2.

Mỹ cũng sẽ thiết lập một sở chỉ huy thường trực mới tại Ba Lan, điều được Warszawa kỳ vọng từ lâu và Tổng thống nước này Andrzej Duda lập tức hoan nghênh, bởi sẽ giúp củng cố an ninh của quốc gia Đông Âu có đường biên giới dài với đồng minh gần gũi của Nga là Belarus.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Mỹ triển khai tới châu Âu đầu tháng 2/2022. Ảnh: AP/ Chris Seward.

Trong hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, 30 nhà lãnh đạo của NATO đã nhất trí mời Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh, quyết định một khi được phê chuẩn sẽ chấm dứt nhiều thập kỷ trung lập của hai quốc gia Bắc Âu.

Ngay trước hội nghị thượng đỉnh của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vốn phản đối hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh, đã thay đổi quan điểm, sau khi một thỏa thuận 3 bên về an ninh được ký kết.

Hôm 27/6, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Argumenty i Fakty có trụ sở tại Moscow, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev, cảnh báo, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, khi đó chiều dài đường biên giới trên bộ của liên minh này với Nga sẽ tăng hơn gấp đôi, Moscow sẽ buộc phải củng cố biên giới của mình và sẵn sàng cho các bước đáp trả.

Chính trị gia Nga cảnh báo, tình trạng phi hạt nhân hóa của khu vực Baltic sẽ trở thành chuyện dĩ vãng trước khả năng Moscow triển khai tên lửa (có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander, tên lửa siêu thanh, tàu chiến trang bị vũ khí hạt nhân trước cửa NATO.

Văn Phong/Reuters