Sát cánh với Israel!
Trong một tuyên bố hôm 14/10, giờ Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin cho biết, ông đã lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower (CSG) bắt đầu lên đường tới Đông Địa Trung Hải.
“Là một phần trong nỗ lực của chúng tôi nhằm ngăn chặn các hành động thù địch chống lại Israel hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng cuộc chiến sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel.”, tuyên bố nói, cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay gồm tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Philippine Sea (CG 58), các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Gravely (DDG 107), USS Mason (DDG 87) cùng với phi đoàn Carrier Air Wing 3 với 9 phi đội máy bay.
|
|
Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Hải quân Mỹ. Nguồn: @sentdefender. |
USS Dwight D. Eisenhower sẽ gia nhập nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford, đã đến Đông Địa Trung Hải hồi đầu tuần này, thông cáo nói, lưu ý, trước đó, Không quân Mỹ tuyên bố triển khai tới khu vực các phi đội máy bay chiến đấu F-15, F-16 và A-10, có khả năng không chiến và yểm trợ cận chiến từ trên không.
“Việc tăng cường tư thế lực lượng thể hiện cam kết vững chắc của Mỹ đối với an ninh của Israel và quyết tâm của chúng tôi nhằm ngăn chặn bất kỳ chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nào đang tìm cách leo thang cuộc chiến này.”, tuyên bố nhấn mạnh.
|
|
Người Palestine trú ẩn trong một trường học do LHQ điều phối tại trại tị nạn Nuiserat, ngày 14/10. Ảnh: Hatem Moussa/AP. |
Trước đó, hôm 13/10, ông Austin cho biết, Lầu Năm Góc sẵn sàng triển khai thêm viện trợ quân sự cho Israel khi lực lượng nước này chuẩn bị đổ bộ vào Gaza trong bước trả đũa tiếp theo.
Ông Austin tiết lộ, đạn dược và các hệ thống phòng không cũng như vũ khí, khí tài khác đang nhanh chóng đổ dồn về đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Đông khi Israel tuyên bố sẽ nghiền nát Hamas, phong trào kháng chiến Hồi giáo Palestine ở Gaza.
|
|
Tàu sân bay Eisenhower hướng tới Trung Đông / U.S. Fleet Forces |
Động thái gửi lượng máy bay và tàu chiến khủng, bao gồm tầu sân bay lớn nhất thế giới, tới khu vực khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phản ứng, cho rằng, đó là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, chỉ khiến khiến tình hình thêm trầm trọng.
Biểu tình nhiều nơi trên thế giới
Israel đã tiến hành cuộc bắn phá dữ dội nhất từ trước đến nay vào Dải Gaza sau khi Hamas thực hiện cuộc tấn công xuyên biên giới trên bộ và trên không gây sốc và chưa từng có vào miền Nam Israel hôm 7/10.
Sau khi đã thả hàng nghìn quả bom xuống Gaza, những ngày qua, Israel đã tập trung nhiều xe tăng, tuyên bố đang chuẩn bị một cuộc tấn công trên bộ ở dải đất ven biển chật hẹp và đông dân cư, nơi có khoảng 2,3 triệu người Palestine sinh sống.
Phản ứng trước sự leo thang xung đột xung quanh Dải Gaza, từ ngày 13/10, hàng chục ngàn người biểu tình đã tụ tập khắp Trung Đông và một số khu vực ở châu Á, châu Âu và Mỹ để ủng hộ người Palestine và lên án Israel khi nước này tăng cường tấn công vào Gaza.
|
|
Người Palestine chia nhau từng can nước tại trại tị nạn Rafah, phía nam Gaza, ngày 14/10. Ảnh: Mohammed Abed/AFP/Getty. |
Trong khi các cộng đồng người Do Thái ở Mỹ, Pháp và các nơi khác cũng tổ chức các cuộc biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với Israel sau vụ tấn công của Hamas từ Gaza, là vụ tàn sát đẫm máu nhất nhắm vào thường dân Israel trong lịch sử 75 năm của đất nước, khiến 1.300 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.
Các chính phủ phương Tây và nhiều người dân đã bày tỏ sự ủng hộ và thông cảm mạnh mẽ dành cho Israel về cuộc tấn công của Hamas, nhưng phản ứng của Israel cũng gây ra sự tức giận, đặc biệt là ở các nước Ả Rập và Hồi giáo.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đám đông tụ tập bên ngoài các nhà thờ Hồi giáo hô vang khẩu hiệu phản đối Israel và ủng hộ Hamas.
|
|
Những người thiệt mạng sau cuộc tấn công của Israel, tại Khan Younis, phía nam Gaza, ngày 14/10. Ảnh: Arafat Barbakh / Reuters. |
Một lá cờ Palestine khổng lồ được người biểu tình giương cao trong một cuộc biểu tình ở Rome, Ý, cùng với các cuộc biểu tình khác diễn ra ở nhiều thành phố khác của châu Âu, bao gồm ở Braband, Đan Mạch, Berlin, Đức,..
Tại Mỹ, cảnh sát đã tăng cường sự hiện diện tại các khu dân cư Do Thái và Hồi giáo tại các thành phố lớn từ New York đến Los Angeles, khi những người biểu tình thể hiện sự đoàn kết với cả hai bên xung đột.
Hôm 13/10, tại Baghdad, Iraq, hàng chục ngàn người tập trung vẫy cờ Palestine và đốt cờ Israel trong khi hô khẩu hiệu chống Mỹ và các khẩu hiệu chống Israel.
|
|
Người dân Palestine tìm nơi trú ẩn an toàn hơn ở Gaza trong bối cảnh Israel chuẩn bị cuộc tấn công trên bộ. Ảnh: EPA. |
Tại Iran, các cuộc biểu tình do nhà nước tổ chức diễn ra khắp Iran, quốc gia công khai hỗ trợ Hamas.
Tại Indonesia, giáo sĩ Hồi giáo Abu Bakar Bashir đã tổ chức tuần hành chống Israel tại thành phố Solo ở Java.
Tại thủ đô Dhaka của Bangladesh, các nhà hoạt động biểu tình phản đối hành động của Israel sau buổi cầu nguyện hôm cuối tuần tại nhà thờ Hồi giáo chính.
Các thành viên của cộng đồng người Hồi giáo ở Nhật Bản biểu tình gần Đại sứ quán Israel ở Tokyo, giơ cao các biểu ngữ và hô vang “Israel, kẻ khủng bố” và “Palestine tự do”.
|
|
Tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát ở Gaza. Ảnh: Ibraheem Abu Mustafa / Reuters. |
Tại Sri Lanka, những người biểu tình giương cao biểu ngữ có nội dung “Palestine bạn sẽ không bao giờ đơn độc”. Người biểu tình cũng xuống đường ở Bulgaria, Yemen, Cape Town, vùng Kashmir của Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và Ai Cập.
Tại Gaza, Hamas kêu gọi tất cả người Palestine đứng lên phản đối việc Israel bắn phá dải đất đang bị phong tỏa hàng chục năm qua, kêu gọi họ tuần hành tới Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Trong khi đó, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tiếp tục duy trì các cuộc tấn công dữ dội trên khắp Gaza. Đêm 14/10, IDF đã tấn công hơn 100 mục tiêu ở Gaza, bao gồm các khu vực Zaytoun và Khan Yunis.
|
|
Hiện trường sau cuộc tấn công của Israel vào Khan Younis, phía nam Gaza ngày 14/10. Ảnh: Yasser Qudih/ AFP. |
IDF cho biết, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Nukhba của Hamas ở Khan Yunis, Billal al Kedra, đã bị giết vào tối 14/10.
Theo Bộ Y tế Palestin, khoảng 300 người đã thiệt mạng và 800 người bị thương ở Gaza trong 24 giờ qua, tính đến sáng 15/10. Hầu hết nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Thảm họa nhân đạo
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Palestine tại Gaza, trong 8 ngày liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công của Israel, đã có 2.329 người thiệt mạng và 9.042 người bị thương.
Văn phòng truyền thông Hamas ở Gaza cho biết, một số khu vực đã bị quân đội Israel tấn công trong đêm 14 và sáng 15/10, bao gồm thành phố Gaza ở phía bắc và Rafah ở phía nam.
|
|
Một đứa trẻ Palestine bị thương trong cuộc không kích của Israel ở Khan Younis, Gaza, ngày 14/10. Ảnh: Arafat Barbakh /Reuters. |
Hamas cũng cho biết xe tăng của Israel đang pháo kích vào các khu vực phía đông của Gaza.
Trong khi tình trạng thương vong ở mức độ chưa từng có, Dải Gaza đông đúc lại lâm vào cảnh thiếu điện, nước và thức ăn.
Ngày 14/10, Cơ quan quản lý nước của Palestine cảnh báo, nguồn cung cấp nước ở Gaza đang cạn kiệt, trong khi Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) nói, hầu hết người dân ở Gaza hiện không được tiếp cận với nước.
Trước thảm họa nhân đạo ở Gaza, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hàng viện trợ, bao gồm thực phẩm và vật liệu chăm sóc sức khỏe đang được vận chuyển đến cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và Gaza, tuy nhiên đây là khu vực bị Israel ném bom dữ dội trong nhiều ngày, việc tiếp cận và phân phối hàng cứu trợ là không thể và nguy hiểm.
|
|
Người Palestine tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau cuộc tấn công của Israel ở Khan Younis, Gaza. Ảnh: Mohammed Salem/ Reuters. |
Hôm 13/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi Israel cho phép đưa hàng cứu trợ vào Gaza bị bao vây.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh ở Istanbul, ông Erdogan lên tiếng phản đối việc trừng phạt tập thể dân thường ở Gaza, tuyên bố điều đó sẽ chỉ dẫn đến gia tăng căng thẳng và “thêm nước mắt”.
Ông Erdogan cũng chỉ trích Mỹ vì “lập trường thiên vị” trong cuộc xung đột Palestine- Israel, chỉ trích nước này gửi tàu chiến đến khu vực, điều sẽ góp phần khiến xung đột leo thang.