Hôm 13/12, tại cuộc họp của Viện Brookings, cơ quan nghiên cứu chính sách của Mỹ, Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Đông Á và châu Đại Dương thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC), Mira Rapp-Hooper tiết lộ, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ bắt đầu chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực trong vòng vài ngày tới.

Đây vốn là vấn đề đã được lãnh đạo Hàn- Mỹ- Nhật nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên diễn ra tại Trại David, Mỹ vào tháng 8.

Khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ba nước sẽ đẩy nhanh chia sẻ thông tin về các vụ phóng tên lửa và hoạt động trên không gian mạng của Triều Tiên, đồng thời tăng cường hợp tác về phòng thủ tên lửa đạn đạo.

leftcenterrightdel
  Triều Tiên phóng ICBM thế hệ mới Hwasong-17 vào sáng 18/10. Ảnh: KCNA.

Hệ thống chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực được triển khai theo phương thức là hệ thống kiểm soát của Bộ Tư lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương, Mỹ, sẽ tổng hợp thông tin từ phía Washington và Seoul để chia sẻ giữa ba nước.

Nhà Trắng kỳ vọng hệ thống chia sẻ thông tin sẽ là một phương tiện chính để đối phó hiệu quả với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Triều Tiên lập tức chỉ trích hệ thống chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa Hàn- Mỹ- Nhật là một hành động quân sự liều lĩnh vô cùng nguy hiểm, rõ ràng sẽ đẩy tình hình khu vực vào cục diện đối đầu nghiêm trọng hơn nữa. Động thái này thể hiện mục đích của Mỹ nhằm “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên.
   
Bình Nhưỡng cho rằng sự chia sẻ thông tin như vậy rõ ràng cũng nhằm mục đích khác của Washington là kiềm chế các các nước xung quanh trong đó có Nga và Trung Quốc, hòng giữ vị trí bá quyền trong khu vực.

Văn Phong (theo truyền thông Hàn Quốc)