Hôm 16/11, tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 ở Bali, Indonesia, các nhà lãnh đạo đã nhất trí theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C; nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh nỗ lực giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhằm thúc đẩy triển vọng cho các cuộc đàm phán về khí hậu của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập.
Trong khi các đại biểu tại COP27, nơi tiến trình đạt được thỏa thuận được nói diễn ra chậm chạp, đã theo sát hội nghị thượng đỉnh G20, kỳ vọng dấu hiệu cho thấy các quốc gia phát triển sẵn sàng đưa ra các cam kết mới mạnh mẽ hơn về khí hậu.
“Nhận thức vai trò lãnh đạo của mình, chúng tôi tái khẳng định các cam kết kiên định của mình trong việc theo đuổi mục tiêu của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nhằm giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách tăng cường thực hiện đầy đủ và hiệu quả Thỏa thuận Paris 2015.”, tuyên bố của G20 viết.
|
|
Tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 ở Bali, Indonesia, các nhà lãnh đạo đã nhất trí theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C. Ảnh: POOL / Reuters. |
Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ ở Paris, Pháp năm 2015, các chính phủ trên thế giới đã nhất trí nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, một thỏa thuận được coi là một bước đột phá trong tham vọng khí hậu quốc tế.
“Chúng tôi quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C. Điều này sẽ đòi hỏi các hành động và cam kết có ý nghĩa và hiệu quả của tất cả các quốc gia.”, tuyên bố của G20 cho biết.
Tuyên bố của G20 thúc dục các đại biểu tại COP27 khẩn trương mở rộng quy mô các nỗ lực về vấn đề giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới loại bỏ dần năng lượng hóa thạch, phù hợp với hoàn cảnh quốc gia.
Ấn Độ, nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới, muốn các nước đồng ý loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch thay vì một thỏa thuận hạn chế hơn về loại bỏ than đã được thống nhất tại COP26.
“Chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ vai trò của mình trong việc thực hiện Hiệp ước Khí hậu Glasgow (COP26).” các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh.
Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia phát triển thực hiện các cam kết cung cấp 100 tỉ USD mỗi năm để giảm thiểu khí hậu.