Khép lại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày 20-31/10 tại Roma, Ý, các nhà lãnh đạo đã đồng ý thực hiện các cam kết chính đã được thống nhất tại Hiệp định Paris 2015 mang tính bước ngoặt, trong đó nhấn mạnh, để bảo đảm khống chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong tầm tay, yêu cầu các hành động, cam kết có ý nghĩa và hiệu quả của tất cả các quốc gia, thông cáo chung của G20 cho biết.

Các nhà lãnh đạo G20, những nước thải ra gần 80% lượng khí thải carbon toàn cầu, kêu gọi các kế hoạch quốc gia rõ ràng gắn tham vọng dài hạn với các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn, đồng thời cam kết ngừng tài trợ cho việc sản xuất nhiệt điện than ở nước ngoài vào cuối năm nay và nỗ lực quyết liệt để ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới trước cuối những năm 2030.

Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu 1,5 độ C (mức mà các nhà khoa học xác định là cần thiết để tránh các hậu quả khí hậu thảm khốc) đồng nghĩa với việc cắt giảm gần một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 và xuống mức 0 vào năm 2050. Nhưng thông cáo của G20 không đưa ra thời điểm cụ thể cho mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0, mà chỉ xác định một mốc khá mông lung trước hoặc khoảng giữa thế kỷ.

leftcenterrightdel
Cuộc họp Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn G20 diễn ra trong 2 ngày 20-31/10 tại Roma, Ý. Ảnh: Thewhitehouse.

Trung Quốc hiện được xác định là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, có kế hoạch trung hòa carbon trước năm 2060, nhưng đã chống lại áp lực phải đưa ra các mục tiêu sớm hơn.

Trước đó, người chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Mario Draghi, Thủ tướng Ý, Thái tử Anh Charles (một nhà bảo vệ môi trường, khách mời Hội nghị) và Giáo hoàng Francis, đều đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 cũng như Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên hợp quốc diễn ra ngay sau đó ở Glasgow, Scotland, hãy “suy nghĩ lớn”.

Ông Draghi gọi biến đổi khí hậu là "thách thức thời đại", nhấn mạnh, hoặc hành động lập tức, hoặc trì hoãn hành động và chấp nhận trả một cái giá đắt.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng đã thông qua thỏa thuận áp thuế doanh thu của các doanh nghiệp lớn toàn cầu tối thiểu 15%, bắt đầu thực hiện từ năm 2023, nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia giấu lợi nhuận ở những thiên đường thuế.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G20 đã ủng hộ rộng rãi lời kêu gọi gia hạn giảm nợ cho các nước nghèo và cam kết đảm bảo việc tiêm vắc xin cho 70% dân số thế giới chống lại COVID-19 vào giữa năm 2022.

Văn Phong (Theo AFP, Reuters)