Tại phiên họp hôm 15/2, theo đề xuất của các nghị sĩ thuộc Đảng Cộng sản, Duma Quốc gia Nga đã thông qua nghị quyết hối thúc Tổng thống Nga công nhận hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk (DPR và LPR) ở Donbass, miền đông Ukraine.
Nghị quyết nhận được 351 phiếu ủng hộ, 16 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Trước đó, Duma Quốc gia đã bác bỏ một dự thảo nghị quyết cạnh tranh do đảng Nước Nga thống nhất đệ trình, về việc chuyển kiến nghị đến Bộ Ngoại giao để tham vấn trước khi gửi tới Tổng thống Nga, bởi lập luận cho rằng, một quy trình như vậy có thể làm trì hoãn quá trình xem xét kiến nghị.
Chủ tịch Duma, Vyacheslav Volodin, cho biết, nghị quyết sẽ được ký ngay lập tức và chuyển tới nguyên thủ quốc để xem xét vấn đề công nhận hai nước cộng hòa “là các quốc gia tự cường, có chủ quyền và độc lập”.
|
|
Duma Quốc gia Nga. Ảnh: Sergei Fadeichev / TASS. |
"Kiev đang không thực hiện các Thỏa thuận Minsk. Công dân và đồng bào của chúng ta sống ở Donbass cần được hỗ trợ và ủng hộ", ông Volodin nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Duma, các nhà lập pháp chắc chắn việc công nhận DPR và LPR sẽ tạo cơ sở để đảm bảo an ninh và bảo vệ cư dân của các nước cộng hòa khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, đồng thời củng cố hòa bình quốc tế và ổn định khu vực, tuân thủ các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; mở đường cho quá trình công nhận quốc tế đối với cả hai quốc gia.
Bản kiến nghị đã được các nghị sĩ thuộc Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) đệ trình lên Duma Quốc gia vào ngày 19/1. Theo văn kiện này, Duma Quốc gia chuyển đến nguyên thủ quốc gia yêu cầu xem xét công nhận các nước cộng hòa tự xưng "là các quốc gia tự cường, có chủ quyền và độc lập."
|
|
Lực lượng ly khai ở Donetsk chiến đấu chống lại quân đội chính phủ Ukraine. Ảnh: rferl. |
Tài liệu cho biết: “Trong những năm gần đây, các cơ quan và nhà nước dân chủ với tất cả các thuộc tính của quyền lực hợp pháp đã được xây dựng ở các nước cộng hòa dựa trên ý chí tự do của nhân dân”.
Theo các nhà lập pháp, cần thiết phải đề xuất Tổng thống Nga xem xét việc tổ chức đàm phán với các cấp lãnh đạo của DPR và LPR càng sớm càng tốt, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý về quan hệ giữa các quốc gia, để điều chỉnh các quy tắc hợp tác, bao gồm cả các vấn đề an ninh.
Phó Chủ tịch KPRF, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về khối cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, Liên kết Á-Âu và Kiều bào của Duma, Leonid Kalashnikov, cho rằng, bản thân lời kêu gọi không có nghĩa là công nhận các nước cộng hòa. "Việc công nhận hay không là do Tổng thống xem xét quyết định theo thẩm quyền.", nhà lập pháp nhấn mạnh.
|
|
Xung đột ở Donbass không chỉ tàn phá cơ sở hạ tầng mà còn khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng. Ảnh: Andrew Burton/Getty. |
Nghị quyết được các nhà lập pháp Nga nhất trí đưa ra trong bối cảnh căng thẳng xung quanh Ukraine leo thang, bởi trong vài tuần qua, phương Tây liên tục tuyên bố Nga đang có kế hoạch sớm "xâm lược" nước láng giềng, điều mà Moscow nhiều lần bác bỏ.
Donetsk và Lugansk là hai tỉnh thuộc vùng Donbass, đông nam Ukraine, nơi có đông người Nga sinh sống, đã tuyên bố độc lập vào năm 2014, sau khi một cuộc đảo chính bạo lực xảy ra ở Kiev. Kể từ đó, một cuộc giao tranh giữa lực lượng quân đội Chính phủ Ukraine và lực lượng vũ trang ly khai thân Nga nổ ra.
Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 31.000 người, trong khi hơn 2,5 triệu dân thường phải di tản trong nước hoặc nước ngoài.