Trong một tuyên bố hôm 20/3, Văn phòng Ngoại trưởng Canada, Melanie Joly, cho biết, nước này đã không phê duyệt giấy phép xuất khẩu vũ khí mới sang Israel kể từ ngày 8/1; và việc đóng băng sẽ tiếp tục cho đến khi Ottawa có thể đảm bảo vũ khí được sử dụng theo luật pháp Canada. Tuy nhiên các giấy phép xuất khẩu đã được phê duyệt trước ngày 8/1 vẫn có hiệu lực.

“Canada có một trong những quy tắc cấp phép xuất khẩu nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Không có giấy phép mở nào cho việc xuất khẩu hàng hóa gây chết người sang Israel. Kể từ ngày 8/1, chính phủ đã không phê duyệt giấy phép xuất khẩu vũ khí mới sang Israel và điều này sẽ duy trì cho đến khi chúng tôi có thể đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy tắc xuất khẩu của mình.”, tuyên bố cho biết.

leftcenterrightdel
 Ngoại trưởng Canada, Melanie Joly. Ảnh: Silvia Izquierdo /AP.

Luật pháp Canada cấm xuất khẩu vũ khí nếu chúng có thể được sử dụng để “vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế” hoặc “các hành vi bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em”. Ottawa cũng phải xem xét liệu vũ khí này sẽ đóng góp cho hòa bình và an ninh hay ngược lại, làm suy yếu nó.

Sự sống còn chính trị của chính phủ thiểu số của Đảng Tự do ở Canada phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Đảng Dân chủ mới thiên tả, những người đang kêu gọi đường lối cứng rắn hơn với Israel trong cuộc xung đột ở Gaza.

Hôm 18/3, Quốc hội Canada đã thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc về cuộc xung đột ở Gaza, kêu gọi chính phủ ngừng cấp phép và xuất khẩu vũ khí sang Israel.

Vấn đề không chỉ được thúc đẩy bởi Đảng Dân chủ mới  mà còn đang gây chia rẽ trong nội bộ Đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng Justin Trudeau. 

leftcenterrightdel
 Trẻ em là nạn nhân của cuộc xung đột ở Gaza. Ảnh: Abed Khaled / AP.

Canada, một đồng minh quan trọng của Mỹ, nơi cung cấp cho Israel hàng tỉ đô la viện trợ quân sự mỗi năm, đã giảm thiểu các chuyến hàng vũ khí tới Israel sau khi xung đột Israel- Hamas tái bùng phát ở Gaza ngày 7/10/2023.

“Tình hình thực tế (ở Gaza) khiến chúng tôi không thể xuất khẩu bất kỳ loại thiết bị quân sự nào.”, một quan chức Canada nói.

Trong khi khẳng định quyền tự vệ của Israel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có lập trường ngày càng chỉ trích Israel, khi dân thường ở Gaza thiệt mạng ngày càng nhiều.

Israel đã phản đối quyết định này, trong đó Ngoại trưởng Yisrael Katz, nói, bước đi của chính phủ Canada “làm suy yếu quyền tự vệ của Israel trước Hamas”. Ông Katz tuyên bố “Lịch sử sẽ phán xét hành động hiện tại của Canada một cách nghiêm khắc”.

leftcenterrightdel
 Khoảng 70% nhà cửa dân sinh ở Gaza bị tàn phá trong cuộc xung đột. Ảnh: @Timesofgaza.

Vấn đề chuyển giao vũ khí cho Israel đã gây ra các thủ tục pháp lý ở một số nước trên thế giới. Vào tháng 3, một liên minh gồm các luật sư và người Canada gốc Palestine đã đệ đơn khiếu nại chính phủ Canada, trong nỗ lực tìm cách đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Israel, cho rằng Ottawa đã vi phạm cả luật pháp trong nước và quốc tế.

Họ cho biết kể từ sau vụ tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, Canada đã phê duyệt các giấy phép mới trị giá ít nhất 21 triệu đô la, nhiều hơn giá trị của những giấy phép được cấp trong cả năm 2022.

Các nhà hoạt động và các nhóm nhân quyền đã cáo buộc chính phủ lợi dụng những lỗ hổng pháp lý để xuất khẩu thiết bị quân sự sang Israel bất chấp luật pháp cấm xuất khẩu vũ khí cho các chủ thể nước ngoài nếu có nguy cơ vũ khí bị sử dụng để vi phạm nhân quyền.

Theo truyền thông Canada, Israel nằm trong số 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu từ Canada, với số thiết bị quân sự trị giá hàng chục triệu đô la mỗi năm.

Cuộc xung đột Gaza cho đến này đã khiến hơn 31.000 người Palestine thiệt mạnh, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em; trong khi hiện có hơn 1,1 triệu người Palestine tại dải đất đang phải chịu cái đói thảm khốc.

Văn Phong/Reuters, AFP