Do nghèo đói và tham nhũng!?

Chỉ huy lực lượng binh sĩ tinh nhuệ, cựu lính lê dương Pháp Mamady Doumbouya tuyên bố hôm 5/9, Tổng thống Alpha Conde đã bị lực lượng này bắt giữ.

Người đứng đầu nhóm nổi dậy cho rằng, quản lí tài chính yếu kém, nghèo đói và nạn tham nhũng tràn lan đã khiến lực lượng của ông đứng lên loại Tổng thống Alpha Conde khỏi chức vụ.

"Người dân Guinea cũng như tình hình xã hội, chính trị và kinh tế đất nước rất khó khăn nên quân đội đã quyết định thực hiện trách nhiệm vì tương lai của Guinea.", ông Doumbouya nói, tuyên bố đình chỉ hiến pháp, giải tán quốc hội, đóng cửa biên giới trên bộ và trên không, kêu gọi quân nhân ở lại đơn vị của họ.

leftcenterrightdel
Một chiếc xe quân sự được nhìn thấy tại khu phố Kaloum trong cuộc nổi dậy của lực lượng đặc biệt ở thủ đô Conakry, Guinea ngày 5/9. Ảnh: Reuters/ Saliou Samb. 

Ông Doumbouya cũng tuyên bố đảm nhận vị trí lãnh đạo ủy ban củng cố và phát triển quốc gia, có nhiệm vụ tập hợp giới chính trị để giải quyết các vấn đề đất nước đang gặp phải.

"Chúng tôi đã giải tán chính phủ, đình chỉ hiến pháp. Chúng ta sẽ cùng nhau viết lại hiến pháp.", ông Doumbouya nói trên truyền hình nhà nước, khoác lên mình lá cờ quốc gia của Guinea và xung quanh là 8 binh sĩ vũ trang. 

leftcenterrightdel
Quân lính và xe bọc thép hiện diện tại thủ đô Conakry vào sáng 5/9, khi diễn ra cuộc binh biến. Nguồn: AEROSINT Division PSF/Twitter. 

Tiếng súng nổ ra gần dinh Tổng thống ở thủ đô Conakry vào sáng 5/9, giờ địa phương. Vài giờ sau, video được chia sẻ trên mạng xã hội, cho thấy Tổng thống Conde đang ở trong một căn phòng không xác định và bị khống chế bởi các binh sĩ vũ trang.

Các video được chia sẻ trên mạng xã hội trước đó cho thấy các phương tiện quân sự tuần tra thủ đô Conakry. Cây cầu duy nhất nối đất liền với khu vực Kaloum, nơi có dinh Tổng thống và trụ sở các cơ quan chính phủ, đã bị phong tỏa.

leftcenterrightdel
Tổng thống Guinea Alpha Conde bị nhóm nổi dậy khống chế. Ảnh: Honourable Media Africa/Twitter.

Các nguồn tin quân sự cho biết ông Conde đã được đưa đến một địa điểm không được tiết lộ và nhóm  binh sĩ nổi dậy đã thực hiện một số vụ bắt giữ khác đối với các quan chức chính phủ cấp cao.

Lãnh đạo phe đối lập chính của Guinea, Cellou Dalein Diallo, phủ nhận tin đồn ông nằm trong số những người bị giam giữ.

leftcenterrightdel
Tổng thống Guinea Alpha Conde bị nhóm nổi dậy khống chế tại một địa điểm không được tiết lộ sau khi bị nhóm binh sĩ nổi dậy bắt giữ. Nguồn: Farah/twitter.

Đến tối 5/9, chưa biết lực lượng nổi dậy đã kiểm soát hoàn toàn thủ đô Conakry hay không trong khi Bộ Quốc phòng Guinea cho biết, nỗ lực nổi dậy đã bị dập tắt.

“Lực lượng bảo vệ tổng thống được hỗ trợ bởi binh sĩ quốc phòng và an ninh trung thành đã ngăn chặn mối đe dọa và đẩy lùi nhóm nổi dậy. Các hoạt động an ninh đang được tiếp tục để khôi phục trật tự.", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Guinea viết.

leftcenterrightdel
Binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Guinea tiến vào khu trung tâm Kaloum ở Conakry ngày 5/9 sau khi xảy ra nổ súng tại đây. Ảnh: Cellou Binani / AFP. 

Conde 83 tuổi đã giành được nhiệm kì Tổng thống thứ ba trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi vào tháng 10 năm ngoái. Ông tái tranh cử sau khi thông qua một hiến pháp mới vào tháng 3/2020, cho phép ông vượt qua giới hạn hai nhiệm kì Tổng thống, điều đã gây ra các cuộc phản đối bạo lực từ phe đối lập.

leftcenterrightdel
Chỉ huy lực lượng nổi dậy Mamady Doumbouya tuyên bố sau cuộc đảo chính. Nguồn: Farah/twitter. 

Từng là một nhà hoạt động đối lập, ông Conde trở thành Tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của Guinea vào năm 2010 và tái đắc cử vào năm 2015 trước khi tái cử lần 3 vào năm ngoái. Tuy nhiên, giới chính trị đối lập cáo buộc Conde thiên về chủ nghĩa độc tài.

Trong những tuần gần đây, chính phủ đã tăng mạnh thuế để bổ sung ngân khố và tăng giá nhiên liệu lên 20%, gây ra sự bất bình trên diện rộng.

leftcenterrightdel
Chỉ huy lực lượng nổi dậy Mamady Doumbouya tuyên bố trên truyền hình sau cuộc đảo chính. Nguồn: Aljazeera.

Kinh tế Guinea phát triển ổn định trong thập kỉ qua, nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản, tuy nhiên người dân dường như cảm thấy họ không được hưởng lợi, trong khi nạn tham nhũng tiếp tục hoành hành.

"Trong khi Tổng thống luôn miệng tuyên bố ông ấy muốn diệt trừ tham nhũng, nhưng việc biển thủ công quĩ ngày càng gia tăng.", Alassane Diallo, một cư dân thủ đô Conakry nói với Reuters.

Cộng đồng quốc tế phản ứng!

Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông cực lực lên án "bất kì sự chuyển giao quyền lực nào bằng vũ lực" và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Conde.

Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Tổng thống Ghana Nana Akuffo-Addo, gọi sự kiện là một cuộc đảo chính có động cơ; đồng thời đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt.

leftcenterrightdel
Chỉ huy lực lượng binh sĩ tinh nhuệ, Mamady Doumbouya, từng phục tùng Tổng thống Alpha Conde. Ảnh: Honourable Media Africa. 

Liên minh châu Phi tuyên bố sẽ họp khẩn và thực hiện "các biện pháp thích hợp" trong khi Bộ Ngoại giao Nigeria, cường quốc giữ vai trò lãnh đạo khu vực, kêu gọi trở lại trật tự hiến pháp.

Alexis Arieff từ Cơ quan Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ, nói, cùng với các cuộc đảo chính và biến tướng của nó diễn ra lâu nay ở Tây Phi, khu vực này đã chứng kiến "bước tụt lùi lớn của nền dân chủ" trong những năm gần đây.

leftcenterrightdel
Tổng thống Guinea Alpha Conde được đưa đến một địa điểm bí mật. Ảnh: trendflow.

Mỹ cho biết bạo lực và bất kì biện pháp chuyển giao quyền lực nào ngoài hiến pháp sẽ chỉ làm xói mòn triển vọng của Guinea về hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

"Hoa Kỳ lên án các sự kiện ngày hôm nay ở Conakry. Những hành động như vậy có thể hạn chế khả năng của Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế khác của Guinea trong nỗ lực hỗ trợ đất nước khi nước này định hướng con đường hướng tới đoàn kết dân tộc và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Guinea.”, ," Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố

 

Huy Anh/TASS, Reuters, Hourlyhits