Lúc 21h30’, ngày 22/8, giờ Washington (9h30’ ngày 23/8 giờ Việt Nam), Phó Tổng thống, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có bài phát biểu chấp nhận đề cử làm ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, trước khi bế mạc Đại hội toàn quốc của đảng này kéo dài 4 ngày tại Chicago, tiểu bang Illinois.
Trong bài phát biểu trình bày cương lĩnh dài 40 phút, bà Harris tập trung vào chương trình nghị sự trong nước, bao gồm vấn đề thượng tôn pháp luật, đoàn kết người Mỹ, phục vụ nhân dân và bảo vệ biên giới đất nước.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ cũng nhắc đến các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, tuy khá vắn tắt.
Bà Harris cam kết sẽ củng cố mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh NATO và cho biết, đất nước phải tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
|
|
Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, ngày 22/8. Ảnh: Rebecca Wright/CNN |
Bà tuyên bố “sẽ không bao giờ do dự trong việc bảo vệ an ninh và lí tưởng của nước Mỹ” trong cuộc “đấu tranh lâu dài giữa nền dân chủ và chế độ chuyên chế”.
Harris nói rằng với tư cách là Tổng thống, bà sẽ duy trì liên minh Mỹ- Israel và “đảm bảo Israel có khả năng tự vệ”.
Bà lên án các cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas nhằm vào Israel nhưng cũng thừa nhận sự đau khổ của người Palestine ở Gaza, trong bối cảnh hoạt động quân sự tàn khốc và kéo dài của Israel tại dải đất.
“Những gì đã xảy ra ở Gaza trong 10 tháng qua thật tàn khốc, quá nhiều sinh mạng vô tội đã bi giết. Những người tuyệt vọng, đói khát phải trốn chạy mãi mong tìm nơi an toàn. Mức độ đau khổ tột độ!.”, bà Harris bày tỏ, cam kết sẽ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến, để Israel được an toàn, các con tin được thả, nỗi đau khổ ở Gaza chấm dứt và người dân Palestine được bảo đảm phẩm giá, an ninh, tự do và quyền tự quyết của mình.
|
|
Một biểu ngữ kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Israel đặt bên ngoài Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tại Chicago, ngày 22/8. Ảnh: Austin Steele/CNN. |
Trước đó, ngày 25/7, trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông này thăm Washington, bà Harris cho biết đã có cuộc thảo luận thẳng thắn và xây dựng với ông Netanyahu về nhiều vấn đề, bao gồm cam kết của bà đối với an ninh của Israel, tầm quan trọng của việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và yêu cầu cấp thiết phải thực hiện lệnh ngừng bắn và thỏa thuận con tin.
Thông tin với báo giới trong bài phát biểu sau cuộc gặp, bà Harris tuyên bố “không im lặng” về nỗi thống khổ của người Palestine ở Gaza trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas, cho biết bà đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của mình với ông Netanyahu; nhấn mạnh với nhà lãnh đạo Israel, đã đến lúc “chốt” thỏa thuận ngừng bắn.
“Israel có quyền tự vệ và cách họ thực hiện điều đó rất quan trọng. Những gì đã xảy ra ở Gaza trong hơn chín tháng qua thật tàn khốc. Những hình ảnh trẻ em thiệt mạng và những người đói khát tuyệt vọng trốn chạy để tìm nơi an toàn, thậm chí phải sơ tán lần thứ ba hoặc thứ tư. Chúng ta không thể ngoảnh mặt trước thảm kịch này. Chúng ta không thể cho phép mình trở nên vô cảm trước nỗi đau khổ và tôi sẽ không im lặng.”, bà Harris thẳng thắn.