Trong một cuộc họp báo ở Buenos Aires, Argentina sau khi tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Rio de Janeiro, Brazil, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói, chính sách lâu đời của Washington cho rằng, các khu định cư mới mà Israel có ý định xây dựng ở Bờ Tây sẽ phản tác dụng trong việc đạt được hòa bình lâu dài giữa người Israel và người Palestine.

“Kế hoạch này cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính quyền của chúng tôi kiên quyết phản đối việc mở rộng khu định cư và theo đánh giá của chúng tôi, điều này chỉ làm suy yếu chứ không tăng cường an ninh của Israel.”, ông Blinken nói.

Trước đó ngày 22/2, Bộ trưởng Tài chính Israel, Bezalel Smotrich, tuyên bố, Tel Aviv sẽ thúc đẩy kế hoạch xây dựng hơn 3.000 ngôi nhà định cư để phản ứng với vụ tấn công bằng súng của người Palestine ở Bờ Tây hôm 22/2.

leftcenterrightdel
 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo tại Casa Rosada ở Buenos Aires, Argentina, ngày 23/2. Ảnh: EPA.

Theo ông Smotrich, kế hoạch xây dựng 3.344 đơn vị nhà ở mới, gồm 2.350 căn ở Ma'ale Adumim, 300 căn ở Kedar và 694 căn ở Efrat được đưa ra trong cuộc họp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer. 

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã phản đối việc mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, cho rằng, điều đó phản tác dụng đối với hòa bình lâu dài gữa Israel và Palestine, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Mỹ nêu rõ động thái này không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Người Palestine và cộng đồng quốc tế coi việc chuyển dân thường của bất kỳ quốc gia nào tới vùng đất bị chiếm đóng là bất hợp pháp theo Công ước Geneva thứ tư năm 1949 và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

leftcenterrightdel
 Một dự án nhà ở đang được xây dựng tại khu định cư Ma'ale Adumim của Israel ở Bờ Tây vào ngày 26/6/2023. Ảnh: AP / Ohad Zwigenberg.

Số liệu ước tính cho biết, có khoảng 650.000 người định cư Israel đang sống ở 164 khu định cư và 116 tiền đồn ở Bờ Tây bị chiếm đóng.

Theo luật pháp quốc tế, tất cả các khu định cư của người Do Thái trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine đều bị coi là bất hợp pháp.

Người Palestine cáo buộc Israel hành động một cách có hệ thống để “Do Thái hóa Đông Jerusalem”, nơi có Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, và hủy hoại bản sắc Ả Rập và Hồi giáo của khu vực này.

Đối với người Hồi giáo, Al-Aqsa đại diện cho địa điểm linh thiêng thứ ba trên thế giới. Trong khi người Do Thái gọi khu vực này là Núi Đền, nói rằng đây nguyên là nền móng của hai ngôi đền Do Thái thời cổ đại.

Israel chiếm đóng Đông Jerusalem trong Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1967 và sáp nhập toàn bộ thành phố vào năm 1980, trong một động thái chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận.

Văn Phong (Theo Dailysabah)