Theo Đài thiên văn Moscow, đầu năm 2025 sẽ có nhiều sự kiện thiên văn thú vị, trong đó ngay trong tuần đầu tiên của tháng 1, con người sẽ được chào đón trận mưa sao băng Quadrantids mạnh mẽ và sẽ thấy Mặt trời lớn nhất trong năm mới.

“Ngày 3/1 là đỉnh điểm của sự xuất hiện sao băng Quadrantids trong năm mới. Có thể dễ dàng quan sát hiện tượng này vào đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4/1 cho đến khi bình minh hé rạng trên đường chân trời phía Đông. Dự kiến có tới 120 sao băng/giờ. Trong khi vào ngày 4/1, Trái đất sẽ ở điểm cận nhật, gần nhất với Mặt trời, điều này sẽ cho phép chúng ta quan sát Mặt trời lớn nhất trong năm 2025.”, báo cáo của Đài thiên văn Moscow cho biết.

Các nhà thiên văn học lưu ý, Quadrantids sẽ là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất để quan sát vào năm 2025.

Mặc dù mưa sao băng Quadrantid đạt cực đại vào ngày 3/1 ở bán cầu Bắc, tuy vậy, hiện tượng này có thể quan sát thấy từ ngày 2-12/1.

Các nhà thiên văn nói, không cần mang theo bất cứ dụng cụ quan sát chuyên dụng nào (kính thiên văn, ống nhòm) vì mắt thường chính là cách quan sát tốt nhất.

leftcenterrightdel
 Trận mưa sao băng Quadrantid năm 2025 đạt cực đại vào ngày 3/1 ở bán cầu Bắc/iStock.

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), Quadrantids có nguồn gốc từ những phần còn lại của tiểu hành tinh 2003 EH1 - một tiểu hành tinh có quỹ đạo chuyển động quanh Mặt Trời với chu kì 5,5 năm.

Khi Trái Đất đi qua quỹ đạo của vệt mảnh vụn này mỗi năm, các hạt bụi nhỏ lao vào bầu khí quyển với tốc độ cao, tạo ra những vệt sáng rực rỡ trên bầu trời.

Ban đầu khi hiện tượng này bắt đầu được quan sát, nó được các nhà thiên văn học đặt tên là Quadrantids do xảy ra trong khu vực của chòm sao Quadrans Muralis.

Tuy nhiên, đến năm 1922, chòm sao này đã bị loại khỏi danh sách các chòm sao của thiên văn học hiện đại. Việc qui ước lại này khiến cho khu vực xảy ra mưa sao băng này ngày nay thuộc chòm sao Bootes (do đó cũng có thể gọi là mưa sao băng Bootids, tuy nhiên cái tên này là không chính thức và ít được nhắc tới).

leftcenterrightdel
 Nếu chưa có kinh nghiệm xác định các chòm sao thì đơn giản là chỉ cần hướng mắt về hướng Đông và Đông Bắc, nơi có ngôi sao Arcturus khá nổi bật (theo hình), với độ cao khoảng 30- 50 độ và chờ đợi. Nguồn: VACA.

VACA cho biết, hiện tượng diễn ra trong chòm sao Bootes, do đó thời điểm lí tưởng nhất là khi chòm sao này đã lên đủ cao vào rạng sáng ngày 4/1, khoảng từ hơn 2h sáng cho tới hết đêm.

Vào rạng sáng 4/1, chòm sao Bootes nằm ở bầu trời Đông Bắc, bắt đầu lên khá cao từ khoảng 3h sáng.

Nếu chưa có kinh nghiệm xác định các chòm sao thì đơn giản là chỉ cần hướng mắt về hướng Đông và Đông Bắc, nơi có ngôi sao Arcturus khá nổi bật (theo hình), với độ cao khoảng 30- 50 độ và chờ đợi.

VACA lưu ý, nên chọn vị trí có góc nhìn càng rộng càng tốt, như trên sân thượng hay các bãi trống, nơi không có ánh đèn mạnh chiếu thẳng vào mắt. Việc quan sát sao băng cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn, do đó có thể dùng ghế dài để cho phép ngả lưng.

Ngoài ra, theo Đài thiên văn Moscow, vào ngày 16/1 sao Hỏa sẽ tiến đến khoảng cách tối thiểu tới Trái đất và nằm trên đường thẳng nối Trái đất với Mặt trời, điều này sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho việc quan sát Hành tinh Đỏ.

Văn Phong/Sputnik, Independent, VACA