Được phát hiện vào ngày 2/3/2022, bởi các nhà thiên văn học tại cơ sở Zwicky Transient Facility thuộc Đài quan sát Palomar ở San Diego, California, Mỹ, sao chổi C/2022 E3 (ZTF) đã tiếp cận gần Mặt trời nhất vào ngày 12/1 và đang đến gần Trái đất, theo NASA.

C/2022 E3 có quỹ đạo quay quanh Mặt trời, tuy nhiên do đi qua các vùng bên ngoài của hệ Mặt trời nên nó phải trải qua một hành trình rất dài để gặp lại Trái đất.

Theo trang EarthSky, thiên thể băng giá này sẽ đi qua Trái đất gần nhất trong khoảng thời gian từ ngày 1-2/2, ở khoảng cách khoảng 42 - 44 triệu km.

leftcenterrightdel
 Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) được các nhà thiên văn học phát hiện bằng camera khảo sát trường rộng tại cơ sở Zwicky vào tháng 3/2022. Ảnh: Miguel Claro.

Ngay cả khi tiếp cận gần Trái đất nhất, sao chổi vẫn sẽ cách xa Trái đất hơn 100 lần so với Mặt trăng.

Khi đến gần, có thể phát hiện ra sao chổi dưới dạng một vết mờ màu xanh lá cây gần ngôi sao Polaris (sao Bắc cực), ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Tiểu Hùng. Sao chổi phản xạ các màu ánh sáng khác nhau do vị trí hiện tại và thành phần hóa học của chúng trên quỹ đạo.

Bầu trời lúc rạng sáng, khi Mặt trăng lặn sau nửa đêm đối với khu vực Bắc bán cầu, là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát sao chổi. 

leftcenterrightdel
 Sao chổi xanh trên bầu trời nước Pháp. Ảnh: Julien Looten.

Tùy thuộc vào độ sáng của nó, C/2022 E3 thậm chí có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời đêm, nhưng ống nhòm hoặc kính viễn vọng sẽ giúp quan sát sao chổi rõ nét hơn.

Có thể dễ dàng phân biệt sao chổi với các ngôi sao từ vệt đuôi bụi và các hạt năng lượng, cũng như quầng sáng màu xanh lục bao quanh nó.

Theo Phys.org, sao chổi C/2022 E3 sẽ gần Trái đất nhất lúc 1h11’ rạng sáng 2/2, giờ Việt Nam, ở khoảng cách khoảng 42 triệu km.

Sau khi đi ngang qua Trái đất, sao chổi sẽ tiếp cận sao Hỏa gần nhất vào ngày 10/2, theo EarthSky.

Văn Phong/CNN