Theo Time and Date, số lượng sao băng quan sát từ lãnh thổ Việt Nam trong thời điểm cực đại lên đến 110 ngôi sao băng mỗi giờ.
Tại Việt Nam, mưa sao băng Quadrantids sẽ đạt cực đại vào đêm 3/1, rạng sáng ngày 4/1.
Cũng theo Time and Date, mưa sao băng Quadrantids thường diễn ra từ cuối tháng 12 đến tuần thứ hai của tháng 1 và cao điểm vào khoảng ngày 3-4/1.
Không giống như các trận mưa sao băng khác có xu hướng duy trì cực đại trong khoảng hai ngày, giai đoạn cực đại của Quadrantids chỉ kéo dài vài giờ.
|
|
Tại Việt Nam, mưa sao băng Quadrantids sẽ đạt cực đại vào đêm 3/1, rạng sáng ngày 4/1 với số lượng 110 sao mỗi giờ. Nguồn: nypost. |
Về sự kiện tự nhiên này, Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) thông tin, Quadrantids là trận mưa sao băng loại trên trung bình, gây ra bởi những mảnh vụn còn lại của sao chổi 2003 EH1 vốn mất 5,5 năm để quay quanh Mặt trời. Nó được đặt tên theo chòm sao cổ Quadrans Muralis, hiện nay khu vực trung tâm của chòm sao này thuộc chòm sao Bootes.
Theo VACA, thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này là rạng sáng ngày 4/1. Năm nay, Mặt trăng sẽ gây cản trở đáng kể cho việc quan sát. Vì lý do đó, chỉ ở những nơi có điều kiện quan sát tốt mới có nhiều cơ hội quan sát được các sao băng của hiện tượng này.
|
|
Bản đồ bầu trời mưa sao băng Quadrantids nhìn từ Việt Nam thời điểm khuya ngày 3, rạng sáng ngày 4/1. Nguồn: timeanddate. |
Tại các khu vực ô nhiễm ánh sáng, nếu kiên nhẫn và may mắn, vẫn có thể thấy được một số sao băng, nhưng số lượng sẽ ít và đa số sẽ rất mờ.
Time and Date hướng dẫn, không cần bất kỳ thiết bị đặc biệt nào để quan sát mưa sao băng. Điều kiện cần thiết nhất là bầu trời quang đãng, tốt nhất là tìm nơi hẻo lánh, cách xa ánh đèn thành phố.
“Khi đến địa điểm, mắt của bạn có thể mất 15 đến 20 phút để làm quen với bóng tối. Hãy nằm xuống đất và nhìn lên bầu trời.”, Time and Date viết.