Vào lúc 4h30’ sáng Chủ nhật theo giờ Úc (0h30’ giờ Việt Nam), khoang chứa vật chất thu từ tiểu hành tinh Ryugu xa xôi (cách Trái đất khoảng 290 triệu km) của tàu vũ trụ Hayabusa2 đã đáp thành công xuống khu vực sa mạc phía nam nước Úc.
|
|
Tàu vũ trụ Hayabusa2 . Ảnh: JAXA. |
Khoang chứa dạng viên nang xuất hiện giống như một quả cầu lửa nhỏ trên bầu trời lúc sáng sớm khi nó quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.
Nhóm nghiên cứu của Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sẽ sử dụng máy bay không người lái và máy bay trực thăng để thu hồi khoang này, nhờ tín hiệu mà nó phát ra sau khi đáp xuống.
|
|
Tàu Hayabusa2 đã thả thành công khoang chứa vật chất thu thập từ tiểu hành tinh Ryugu. Ảnh: JAXA. |
|
|
Khoang chứa mẫu vật xuất hiện như quả cầu lửa nhỏ trên bầu trời khi lao vào khí quyền Trái đất. ảnh: JAXA. |
Nếu khoang chứa được thu hồi thành công, thì đây sẽ là lần thứ 2 các nhà khoa học Nhật Bản thu thập mẫu vật từ một tiểu hành tinh. Trước Hayabusa2, một tàu thám hiểm vũ trụ khác cũng đã thực hiện sứ mệnh tương tự vào 10 năm trước.
|
|
Vòi thu thập vật chất từ tàu Hayabusa2. Ảnh: DLR/DW. |
Trước đó, theo nhóm phụ trách dự án thuộc JAXA, vào lúc 14h30’ chiều 5/12, giờ Nhật Bản (12h30’ giờ Việt Nam), khoang chứa mẫu vật được thả từ tàu vũ trụ Hayabusa2, tại điểm cách Trái Đất khoảng 220.000 km.
|
|
Hayabusa2 thu thập mẫu vật chất từ tiểu hành tinh Ryugu. Ảnh: Akihiro Ikeshita/DLR. |
Khoảng 1 giờ sau khi thả khoang chứa, các nhà khoa học của JAXA bắt đầu kích hoạt động cơ để tàu Hayabusa2 chuyển sang nhiệm vụ mới.
Dù lượng vật chất thu thập khá ít ỏi, chỉ 0,1 gam bụi, nhưng JAXA cho biết, nó đủ để thực hiện tất cả các nghiên cứu theo kế hoạch; và, hy vọng sẽ tìm ra manh mối về cách các vật chất được phân bố trong hệ Mặt trời và có liên quan đến sự sống trên Trái đất.
|
|
Khoang chứa mẫu vật chất bung dù trước khi tiếp đất. Ảnh: Akihiro Ikeshita/DLR |
Tàu vũ trụ Hayabusa2 bắt đầu sứ mệnh vào năm 2014. Sau khi hoàn thành việc thả khối vật chất thu thập được về Trái đất, hiện nó đang hướng đến một tiểu hành tinh nhỏ có tên 1998KY26 trong một hành trình dự kiến sẽ mất khoảng 11 năm, để nghiên cứu cách thức ngăn thiên thạch va vào Trái đất.
Các tiểu hành tinh quay quanh Mặt trời là những vật thể lâu đời nhất trong hệ Mặt trời và do đó có thể giúp giải thích cách Trái đất tiến hóa.