Liên quan đến vụ lâm tặc rầm rộ vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để phá rừng mà Báo Bảo vệ pháp luật phản ánh trước đó. UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản số 8891/UBND-NNMT ngày 16/9/2021 gửi UBND tỉnh Gia Lai về việc phối hợp, kiểm tra ngăn chặn vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai.

leftcenterrightdel
Lâm tặc đi cả đoàn từ tỉnh Gia Lai kéo nhau vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đắk Lắk) để khai thác gỗ rừng trái phép.  

Theo nội dung văn bản, thời gian qua tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tại các khu vực giáp ranh giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai còn xảy ra và diễn biến phức tạp, được nhận định tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khả năng phát sinh điểm nóng mới về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép là rất lớn.

Cũng theo UBND tỉnh Đắk Lắk, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã triển khai nhiều biện pháp về bảo vệ, tuần tra, truy quét nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng. Đồng thời, đơn vị này đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa truy quét ngăn chặn, bắt giữ nhiều đối tượng xâm hại rừng...

Do đó, để tiếp tục triển khai Quy chế phối hợp đã ký kết trước đó và chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép,... UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, các cơ quan chức năng và các đơn vị chủ rừng của tỉnh Đắk Lắk để tổ chức và duy trì thường xuyên lực lượng tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực rừng giáp ranh giữa hai tỉnh.

Ngoài ra, cũng trong ngày 16/9/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ra văn bản số 8876, chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các huyện và các chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các công ty lâm nghiệp như Krông Bông, Buôn Ja Wầm, Ea H’leo, Ea Kar...

Được tăng cường vào chốt bảo vệ rừng 616, giáp ranh tỉnh Gia Lai, anh Trần Văn Khánh, nhân viên Trạm Kiểm lâm số 2, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết, việc bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh này gặp rất nhiều khó khăn, cản trở. Theo đó, lâm tặc thường xuyên lợi dụng việc lực lượng bảo tồn mỏng để thâm nhập và khai thác trộm gỗ quý, thú rừng. Không chỉ vậy, tại các khu vực này, việc bắt đối tượng vi phạm vô cùng khó khăn về tính chính danh, pháp lý. Trong khi đó, ở phía tỉnh Gia Lai không có lực lượng đóng chốt ở địa bàn, chỉ phối hợp khi lực lượng bảo tồn bắt, giữ lâm tặc và gọi điện cầu viện. Cũng vì thế, rất khó xử lý được lâm tặc:

“Lợi dụng tình hình nói trên, các đối tượng lâm tặc tìm nhiều cách để đối phó. Khi bị phát hiện, họ bảo là bảo tồn không được bắt địa bàn bên Gia Lai. Đáng nói, các đối tượng thường đi theo nhóm từ 15-20 người, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng thì có chỉ có 3 người. Chính vì lực lượng quá mỏng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng và truy bắt lâm tặc gặp rất nhiều trở ngại. Hơn nữa, khi bắt được lâm tặc, lực lượng quản lý bảo vệ rừng điện cho lãnh đạo cơ quan chức năng Gia Lai nhưng vào đến nơi cũng hơn tiếng đồng hồ nên lâm tặc lại tìm cách chống trả để tẩu tán hết” – anh Khánh chia sẻ.

leftcenterrightdel
Lâm tặc vận chuyển gỗ quý đi cả đoàn bằng xe máy.

Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết, ranh giới khu bảo tồn tiếp giáp với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra rất phức tạp, thời gian gần đây trở nên nóng hơn, lâm tặc đi cả đoàn “ồ ạt” kéo vào rừng để khai thác cây gỗ rừng trái phép. Để bảo vệ được rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, lúc này cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành chức năng tỉnh Gia Lai trong việc tuần tra, kiểm soát, truy quét lâm tặc ở vùng giáp ranh.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ năm 2017, 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên đã ký Quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh. Tuy nhiên, qua các vụ việc phá rừng, xâm hại rừng ở Ea Sô thời gian qua cho thấy, việc phối hợp vẫn còn có những bất cập. Nhiều vụ việc truy bắt lâm tặc nhưng lực lượng bảo vệ rừng Đắk Lắk chỉ còn biết đứng nhìn khi lâm tặc đã ra khỏi địa bàn.

Do đó, các tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan ban ngành tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý khu dân cư tại các khu vực rừng giáp ranh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại đến rừng.

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh trước đó, rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nói riêng, rừng giáp ranh các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên nói chung đang bị xâm hại nghiêm trọng diễn biến hết sức phức tạp.

Mới đây, vào các ngày 23-24/8/2021 lực lượng chức năng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô liên tiếp phát hiện có hàng chục đối tượng trú tại tỉnh Gia Lai ồ ạt “đột nhập” vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để khai thác gỗ rừng trái phép.

Đặc biệt, khi lực lượng chức năng phát hiện, vây bắt thì nhóm lâm tặc này rất manh động chống trả quyết liệt và liền gọi các đối tượng khác mang theo nhiều hung khí đến uy hiếp lực lượng chức năng để “giải cứu” lâm tặc cùng tang vật./.

Nguyễn Chính