Ngày 17/3, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã thông báo kết quả kiểm nghiệm chùm ca bệnh sau khi ăn “Tết chuồng trâu” trên địa bàn huyện Kon Plông.

leftcenterrightdel
 Sau khi ăn “Tết chuồng trâu” nhiều người phải nhập viện điều trị.

Trước đó, trong quá trình giám sát dịch tễ tại địa phương, Sở Y tế tỉnh Kon Tum xác định có 6 người dân tại thôn Kon Kum, xã Măng Cành, huyện Kon Plông có các triệu chứng bệnh như nôn ói, đau bụng, đau đầu, chóng mặt, ho, khó thở…Hầu hết những người này có chung yếu tố dịch tễ là ăn “Tết chuồng trâu” vào ngày 17/2 trước khi mắc bệnh.

Đến ngày 21/2, những người này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau đó, 3 trường hợp đã tử vong (trong đó 1 người do sỏi thận), 3 trường hợp được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.

Ngoài ra, hàng chục trường hợp khác không có triệu chứng nhưng có yếu tố dịch tễ liên quan đã được theo dõi sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện Kon Plông.

Sau khi có thông tin về các trường hợp tử vong và mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum điều tra dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm, nước, rượu gửi đến xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế).

Đến nay, kết quả kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm của cơ quan chức năng xác định đều do ngộ độc thực phẩm, tác nhân gây bệnh được xác định là Clostridium botulinum sinh độc tố typ E.

Cũng theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, phong tục ăn “Tết chuồng trâu” của người dân đã diễn ra nhiều ngày, tụ tập ăn uống nhiều lần nên rất khó xác định được thực phẩm nhiễm Clostridium botulinum.

Do đó, Sở Y tế tỉnh Kon Tum vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan điều tra, xác định thực phẩm, tập quán ăn uống có thể gây nhiễm độc Clostridium Botulinum để có giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa hiệu quả./.

Sông Kôn