Mới đây, Hội đồng nhân dân thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) đã có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Đồng Lách, xã Tân trường đi khu Công nghiệp số 14. Đây cũng là mong mỏi của bà con dân tộc Thái trong nhiều thập kỷ qua.
|
|
Con đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp về Đồng Lách. |
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa thôn Đồng Lách với các phân khu Công nghiệp số 14 sẽ tạo ra quỹ đất khai thác nguyên, vật liệu xây dựng phục vụ đầu tư các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Đặc biệt, tạo cơ hội việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân thị xã Nghi Sơn, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong khu vực.
Được biết, dự kiến tổng mức đầu tư dự án không quá 70 tỉ đồng, nguồn vốn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thị xã Nghi Sơn, đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông qua. Thời gian thực hiện dự án năm 2024-2025.
Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã có bài viết: "Trăn trở Đồng Lách" nói về nỗi vất vả, thiếu thốn của bà con nơi đây. Ngôi làng nằm biệt lập với bên ngoài được ví như “lòng chảo Điện Biên". Ai đến đây cũng hết sức ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi nằm giữa thị xã công nghiệp ồn ào, sôi động lại có một ngôi làng lặng lẽ như nốt nhạc trầm có tên Đồng Lách. Ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) cho biết, cấp uỷ, chính quyền rất trăn trở vì đây là bản đặc biệt khó khăn duy nhất của thị xã.
Đồng Lách giáp với tỉnh Nghệ An, nằm lọt giữa thung sâu, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, xung quanh là những ngọn núi đá vôi. Ông Lê Hồng Quế, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Trường cho biết: Đồng Lách có 120 hộ sinh sống với 530 nhân khẩu trên 100 nóc nhà, 100% trong số đó là đồng bào dân tộc Thái. Bản này đã có cách đây tầm 400 năm. Ngày xưa là bản ít người, sau đó, sinh con đẻ cái mới đông như bây giờ. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, mãi năm 2017, Đồng Lách mới có điện. Đường xá khó đi nên nếu có công việc cần thiết lắm chúng tôi phải thuê xe bán tải mới có thể lên đó được.
|
|
Nhà văn hoá Đồng Lách đã xuống cấp. |
Được biết, trước khi điện về với bản thì ở đây có tới 90% hộ nghèo, đến nay còn 18%, hộ cận nghèo là 39%; thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với bình quân của toàn thị xã. Anh Lục Văn Chuyên (SN 1977), Trưởng bản Đồng Lách buồn rầu nói: "Diện tích núi nhiều, ít đồng cỏ nên việc chăn nuôi cũng chưa thật sự thuận lợi, chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Tuy chưa có nhiều sản phẩm nhưng trên này có trồng trọt hay chăn nuôi được gì cũng không mang xuống bán được vì ách tắc về giao thông, đường xá đi lại rất khó khăn. Vì thế mà bà con không có khí thế làm ăn."
Đi sâu vào bản tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, chúng tôi mới thấy họ còn thiếu thốn mọi bề. Nguồn nước tưới tiêu dành cho sản xuất nông nghiệp cũng bị hạn chế, nhiều khi cả cánh đồng hanh khô không cho thu hoạch vì thiếu nước. Còn nước sinh hoạt thì nhiều vôi, có nơi lại bị nhiễm phèn. Nước mới bơm lên trong veo, nhưng được vài thùng nhỏ là bắt đầu nổi váng vàng khè. Dù biết sử dụng loại nước này sẽ hại cho sức khoẻ nhưng bà con cũng không còn cách nào khác. Dạo quanh cả bản chỉ có mỗi một gia đình bán tạp hoá, thịt cá cung cấp cho bà con.
Ông Hà Văn Long (64 tuổi) cho biết: Cuộc sống của bà con ở đây còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu là tự cung, tự cấp. Nghi Sơn phát triển là thế, có nhiều việc làm nâng cao thu nhập, nhưng người dân bản Đồng Lách không đi làm được, vì đường sá đi lại khó khăn. Nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì không mấy ai dám vượt núi xuống trung tâm xã. Đời sống đã khó khăn lại càng khó hơn, chúng tôi muốn xây dựng bất cứ công trình gì thì nguyên, vật liệu chở từ xã lên giá cả cũng bị đắt gấp đôi, gấp rưỡi. Mỗi lúc có việc nguy cấp, người dân gọi xe rất khó, nhất là vào ban đêm, do con đường này nếu đi không quen sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, những khi không gọi được xe, người dân phải dùng võng khiêng bệnh nhân vượt 4- 5 km xuống chân dốc núi, sau đó mới có thể đi bệnh viện được.
|
|
Ông Hà Văn Long (64 tuổi) trải lòng về những khó khăn của bà con nơi đây. |
Khó khăn nhất trên bản Đồng Lách vẫn là đường giao thông, từ nhiều đời nay, người dân trong bản muốn giao thương với bên ngoài đều phải đi bằng đường mòn nhỏ hẹp này, đó là con đường độc đạo; dẫn đến việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật, kiến thức đời sống để làm ăn còn hạn chế. Nhằm tạo điều kiện cho bà con đi lại được thuận tiện hơn, năm 2019, UBND xã Tân Trường đã vận động người dân đóng góp, cùng với kinh phí do UBND xã hỗ trợ thuê máy san gạt đường, mở rộng lối đi, giảm bớt ổ voi, ổ gà, giúp con đường vào bản được cải thiện phần nào. Nhưng đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời, chỉ sau một mùa mưa bão, mọi thứ lại trở về như cũ.
Được biết, lãnh đạo xã Tân Trường đã có lần tính phương án trích nguồn kinh phí dự phòng của xã để làm đường cho người dân, nhưng không thể thực hiện vì khi lên phương án, kinh phí đầu tư để làm đường quá lớn, vượt quá khả năng của địa phương. Để tháo gỡ khó khăn, xã đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc đại biểu HĐND tỉnh.
Ông Lê Hồng Quế, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Trường trải lòng: "Giữa lòng khu kinh tế Nghi Sơn lại còn một thôn không có đường đi là rất vô lý. Để Tân Trường có thể lên phường thì thôn Đồng Lách phải có đường đi, mong rằng, tỉnh sớm xử lý khó khăn này, chúng tôi mong mỏi lắm."
Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn chia sẻ: "Cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn rất trăn trở nên đang có sự quan tâm đặc biệt đối với Đồng Lách, vì đây là bản đặc biệt khó khăn còn lại duy nhất của thị xã, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Để thực hiện mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con Đồng Lách, hiện thị xã đang đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó, kế hoạch năm 2025 sẽ hoàn thành Nhà Văn hóa để bà con sinh hoạt; điểm lẻ trường mầm non, tiểu học để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Riêng về con đường lên bản, nhiều năm nay xã, thị xã cũng đã có ý kiến và tỉnh cũng đã ghi nhận, mong rằng tuyến đường sẽ sớm được triển khai."
Người dân Đồng Lách đã chịu nhiều thiệt thòi khi nhiều thập kỷ mỏi mòn chờ ánh sáng của điện; dù nằm giữa Khu kinh tế Nghi Sơn sôi động, phát triển nhưng bà con mới có điện 5 năm nay. Điều mong mỏi lớn nhất của hơn 500 đồng bào dân tộc Thái nơi đây là con đường nối từ bản ra trung tâm xã sớm được triển khai xây dựng để cuộc sống bà con đỡ khốn khó.
Và giờ đây, mong mỏi ấy đã sắp thành hiện thực. Được biết, hiện công tác giải phóng mặt bằng đã gần hoàn tất, sắp tới, dự án làm đường mới lên Đồng Lách sẽ được triển khai thực hiện.