Đến ngày 06/8, TAND quận 2, TP HCM ban hành quyết định số 04/2020/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT), đối với ngân hàng BIDV, chi nhánh Bình Tân, TP HCM về thực hiện việc thanh toán theo thư bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước số 064/BL-BIDV-BT ngày 09/7/2017 cho GS, cho đến khi Tòa án hủy bỏ biện pháp này hoặc áp dụng, thay đổi BPKCTT hoặc các đương sự thực hiện xong nghĩa vụ theo quy định.

Thế nhưng sau đó vào ngày 10/8, phía GS gửi đơn khiếu nại đến tòa về quyết định trên với lý do, hợp đồng giữa GS và Lithaco có mục quy định “Tất cả các tranh chấp, tranh cãi hoặc khác biệt phát sinh ngoài... sẽ được giải quyết cuối cùng bởi Trọng tài, được tổ chức tại Singapore” . Do vậy, TAND quận 2 xét thấy không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nên vào ngày 14/8 Chánh án TAND quận 2 lại ban hành quyết định số 19/2020/QĐ-GQKN chấp nhận khiếu nại của GS, hủy quyết định áp dụng BPKCTT số 04/2020.

Sau khi nhận quyết định hủy áp dụng BPKCTT, ông Trần Quốc Tâm, đại diên Lithaco bức xúc, chúng tôi là nhà thầu phụ Việt Nam, khi được tham gia thi công vào công trình trọng điểm của quốc gia là một vinh dự lớn, không nghĩ đến lợi nhuận, mong sao tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân, kỹ sư của công ty, đồng thời mong muốn góp một phần công sức và tên tuổi công ty mình trong đó. Tuy nhiên, phía GS - Hàn Quốc là nhà thầu chính, khi ký hợp đồng với nhà thầu phụ lại đưa nội dung trong hợp đồng là: “Hợp đồng không đàm phán giá” trong khi bản vẽ thiết kế kỹ thuật chưa được phê duyệt, mặc dù tại thời điểm ký kết hợp đồng, các hạng mục chỉ dựa trên bản vẽ phát hành tạm thời từ GS.

leftcenterrightdel
Ông Trần Quốc Tâm - Giám đốc Công ty Lithaco.

“Phóng lao phải theo lao”, Lithaco tiếp tục thực hiện công việc của mình cho đến khi bản vẽ thiết kế kỹ thuật (gói CP2) được phê duyệt vào ngày 13/11/2019 theo công văn số 449/QĐ-BQLĐSĐT của chủ đầu tư - Ban Quản lý đường sắt đô thị và đây cũng là lúc hai bên GS và Lithaco xúc tiến lại bảng dự toán mới của hợp đồng để đảm bảo các hạng mục, khối lượng đúng bản vẽ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt ban hành. Phía Lithaco đã chính thức trình bảng dự toán mới đến GS, thì phía GS lại viện dẫn: không được điều chỉnh giá các hạng mục của hợp đồng, bản dự toán mới có tổng giá trị không được vượt bảng dự toán của hợp đồng đã ký (!?)…
Ông Tâm lý giải, cao điểm của mâu thuẫn là thiết kế thay đổi khối lượng hơn 70% so với hợp đồng ban đầu. Do vậy, Lithaco trình dự toán điều chỉnh theo thiết kế mới và theo đơn giá thị trường năm 2019, nhưng phía GS yêu cầu áp dụng theo giá hợp đồng năm 2017 (!?). Vì vậy phía GS không duyệt mà ép giá nhà thầu phụ nhập vật tư theo hợp đồng ban đầu là vô lý.

Như giọt nước tràn ly, toàn bộ nhân viên Lithaco đã xuống đường đình công phản đối trước trụ sở GS vào ngày 23/4 và 09/5 nhằm kêu cứu các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, hỗ trợ. Cụ thể, Lithaco đã trải qua 17 kỳ nghiệm thu và được GS thanh toán, đối với kỳ 18 thì GS không đồng ý thanh toán mặc dù đã xác nhận khối lượng với Lithaco, làm ảnh hưởng đến việc trả chi phí cho công nhân, tiền vật liệu xây dựng đã nhập về…

Ngoài ra, Lithaco không thể quản lý số lượng tài sản hàng tỷ đồng tại công trường, do phía GS không cho đại diện Lithaco vào trực quản lý khi hai bên chưa thực hiện quyết toán và thanh lý hợp đồng, đã vậy nhà thầu phụ mới ngang nhiên sử dụng tài sản của Lithaco như bản vẽ thiết kế để thi công theo chỉ đạo của GS khi các bên biết rằng họ chưa thanh toán các hạng mục đó cho Lithaco, đây là sự chiếm hữu bất hợp pháp. Ông Trần Quốc Tâm mong rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc giúp làm sáng tỏ bản chất vụ việc, giúp lấy lại công bằng vốn có của nhà thầu phụ Lithaco bị phía GS chèn ép một cách vô lý.

Phi Sơn