Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, đất và người miền châu thổ Cửu Long ghi dấu ấn trên bản đồ văn hóa nước ta bằng bản sắc riêng. Tuy nhiên, dưới tác động của thời gian và nhịp sống hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng của văn hóa đồng bằng đang đứng trước nguy cơ mai một.

 


Ông Tám Lăng còn nhớ như in cuộc hội ngộ của ông với một người phụ nữ người Pháp tên Rose, là nhà thiết kế thời trang và kinh doanh vải vóc ở Paris. Bà Rose đã đi qua nhiều nơi có kỹ thuật ươm tơ dệt vải phát triển như Thái Lan, Đài Loan... cùng nhiều địa phương ở Việt Nam và bà bị Lãnh Mỹ A "chinh phục". Bà đã đặt mua Lãnh Mỹ A với số lượng lớn. Duy có điều bà thắc mắc là tại sao Lãnh Mỹ A chỉ có màu đen huyền? Thắc mắc của bà Rose trở thành nỗi trăn trở của cha con ông Tám Lăng. Sau nhiều đêm trằn trọc, anh Nguyễn Hữu Trí, con trai út ông Tám Lăng đến các làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc vùng ĐBSCL, Tây Nguyên và sang tận Campuchia để tìm học bí quyết nhuộm màu. Sau nhiều lần thất bại bởi các chất liệu nhuộm bằng lá, rễ, trái, vỏ cây rừng tạo nên sắc màu thổ cẩm rực rỡ nhưng Lãnh Mỹ A lại không chịu bám thuốc. Màu sau đó bị phai, mất độ sáng bóng hoặc thậm chí khiến vải co quắp. Thử nghiệm ở nhiều môi trường, nhiệt độ, cách pha chế khác nhau, cuối cùng cha con ông Tám Lăng đã đạt thành ước mơ tìm màu cho Lãnh Mỹ A. Những dãy Lãnh Mỹ A màu hổ phách, cánh sen, đất, chàm, xám tro… ra đời trong sự ngạc nhiên của cả những người mấy đời theo nghiệp lụa ở Tân Châu.

"Tôi không thể nào quên cái ngày những dãy lụa mình dệt ra được trình diễn trên sàn diễn thời trang thế giới" - ông Tám Lăng xúc động. Đó là năm 2004, khi nhà thiết kế Võ Việt Chung chọn Lãnh Mỹ A làm chất liệu cho bộ sưu tập "Mơ về châu Á" trình diễn tại Tuần lễ thời trang quốc tế tại Kuala Lumpur, Malaysia. Một năm sau, Võ Việt Chung lại dùng lụa Tân Châu để thực hiện bộ sưu tập "Sự hồi sinh" trong Tuần lễ thời trang châu Âu tại Đức và tạo được tiếng vang trong làng thời trang thế giới. Võ Việt Chung vang danh cũng đồng nghĩa với Lãnh Mỹ A được ghi nhận như một chất liệu thời trang tầm cỡ.

Tự hào, vui sướng rồi ông Tám Lăng lại nói với tôi bằng vẻ buồn buồn: "Vậy mà, thời hoàng kim sống lại chút rồi cũng qua. Bây giờ người ta dệt tơ ni lông, Lãnh Mỹ A ngày càng hiếm hoi". Sở dĩ ông Tám Lăng giữ được nghề là vì ông có khách hàng cố định ở nước ngoài, mỗi năm ông dệt xuất khẩu khoảng 2.000 mét Lãnh Mỹ A. Làng lụa Tân Châu được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề năm 2006 nhưng đến giờ, chỉ còn một số ít hộ dệt gấm, vải bằng tơ ni lông. Nghề se tơ gia công, nuôi tằm ươm tơ giờ đã không còn. Những vạt dâu xanh mướt, những kén tơ vàng ươm giờ chỉ còn là hoài niệm và là nỗi niềm của những nghệ nhân tâm huyết như ông Tám Lăng.

* * *

Một ngày ở làng lụa Tân Châu, nghe chuyện xưa chuyện nay tôi mới cảm khái cái nghĩa tình của ông Tám Lăng dành cho dáng lụa quê mình. Câu nói ngùi ngùi của ông khiến tôi nhớ mãi: "Đời con cháu tôi không biết thế nào, chứ đời tôi là đến chết cũng dệt Lãnh Mỹ A. Nó gắn bó với tôi cả một đời người còn gì". Nói rồi, ông Tám Lăng lấy tay vuốt nhẹ xấp Lãnh Mỹ A...

Bài 2: Nỗi lòng người nói thơ Bạc Liêu


Theo Báo Cần Thơ

.