Lúc về khuya, trên các con đường vắng tiếng còi xe, có bao nhiêu người lấy đêm làm ngày. Đô thị lớn nhất nước có một diện mạo khác hẳn. Bên cạnh những cuộc vui suốt sáng, những trận cười thâu đêm có mấy ai nghĩ đến những mảnh đời trôi dạt.


Trong tranh tối tranh sáng nhập nhòe, chúng tôi thấy những người cửu vạn phong phanh chiếc áo thun. Anh Sơn (quê Trà Vinh) cho biết: “Trừ tiền thuê xe kéo 20 nghìn đồng, mỗi đêm tôi kiếm được 100 - 200 nghìn vì có mối quen, chứ người mới làm thì ít có người thuê lắm. Số tiền này cũng khá hơn công nhân mà chỉ làm buổi tối tới sáng, không phải làm cả ngày”. Trong chợ có 1.300 tiểu thương là các chủ vựa. Những ông chủ, bà chủ giỏi thức đêm. Một chủ vựa nói: “Thuyền to, sóng lớn. Có vựa mỗi tháng tốn 45 triệu đồng tiền nước. Tiền điện cũng gần bằng thế. Làm có lãi không dễ đâu. Vựa chúng tôi nhỏ, mỗi tháng chỉ tốn chục triệu tiền điện, chục triệu tiền nước”. Nhân công thuê chừng 200 nghìn đồng một đêm, có vựa cần tới 90 người, có vựa thuê 55 người.

Rời chợ Bình Điền, chúng tôi về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Tại đây có rất nhiều phụ nữ vác hàng thuê mà mọi người hay gọi đùa là “phận pháo thủ”. Chị Nguyễn Thị Thủy (quê Tiền Giang) cho biết làm nghề khi mới 18 tuổi, chồng cũng là dân bốc xếp. Anh chị có hai con, đứa lớn 18 tuổi, đứa nhỏ 15 tuổi. Cả hai đều đang đi học. Nhiều hôm mệt mỏi muốn nghỉ nhưng trước áp lực tiền học, tiền ăn, tiền ở của gia đình nên chị phải cố sức làm. “Chúng tôi xa quê, làm công việc này chỉ với mong muốn dành dụm được những đồng tiền ít ỏi gửi về cho bố mẹ già ở quê", chị Nguyễn Thị Lý (quê Nghệ An) chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Dậu (quê Tiền Giang), đã hơn 40 năm gắn bó với nghề, kể lúc nhỏ theo cha từ dưới quê lên Sài Gòn mưu sinh. Hơn 10 tuổi, bà đã làm quen với nghề khuân vác ở chợ Cầu Muối (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), mới đó mà đã sống với nghề gần trọn đời người.

Kim đồng hồ chỉ 12 giờ đêm, chúng tôi trực chỉ Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh). Cứ vài chục phút lại có một chiếc xe từ các tỉnh miền Trung hay miền Đông về tới. Cánh xe ôm lại nhao nhao lên mời chào. Anh Tú, 42 tuổi, phân trần: “Từ giờ đến sáng sẽ có nhiều xe khách vào lắm, bọn tôi phải ra đây từ 1 giờ để chờ đến lượt, rồi lại chờ đến sáng mới có khách thuê vì giờ này không ai dám đi về nhà. Ngày trước ít taxi, rạng sáng là kiếm nhiều lượt đưa khách. Càng ngày, xe ôm trong và ngoài bến nhiều nên khách có nhiều sự lựa chọn hơn. Thu nhập của tui cũng giảm dần”. Nhấp một ngụm cà phê đắng, anh Tú mỏng manh một chiếc áo đồng phục và mong chờ cho những tia sáng dần lên.

Tại khu vực ga Sài Gòn (P9Q3), rất nhiều người không ngủ đêm vì thói quen công việc ở đây. Thấy một anh lái taxi vật vờ bên quán cóc, chúng tôi tấp xe vào. Sau một hồi hàn huyên, anh Thành - tên người tài xế taxi - tâm sự: “Tui nhận xe từ 10 giờ đêm cho tới 10 giờ đêm hôm sau thì trả xe cho người khác. Mỗi đêm cũng chạy hai, ba cuốc”. Khi mới vào nghề, có lần kẻ gian đóng vai khách lở đường gọi anh chở xuống tận TX.Dĩ An (Bình Dương). Khi tới nơi, chúng nhanh chân tung cửa thoát chạy. Anh Thành chạy theo nhưng không đuổi kịp, chỉ biết lẳng lặng lấy xe quay về. Gặp khách say xỉn, anh càng mệt hơn khi chúng giở trò chỉ qua chỉ lại rồi nôn thốc nôn tháo trên xe và ngày hôm đó, anh cầm chắc phần đói trong tay. Anh trở về nhà thất thểu sau một ngày đi làm đêm mệt mỏi. Khi tới nhà thì hai đứa nhỏ đã đi học. Rút kinh nghiệm những lần đó, khi trông thấy những vị khách khả nghi, bây giờ anh lại tìm cách thoái thác.

Rời ga Sài Gòn, dọc các con đường trung tâm, nhiều bác xe ôm leo lên yên xe nằm ngủ. Họ khép tay trước ngực cho khỏi lạnh. Khi nghe thấy tiếng gọi là họ ngồi bật dậy, nổ máy, lao nhanh đến nơi.


Theo CA.TP.HCM

.