Ngày 23/5, bước sang ngày thứ hai, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.

Thông báo của Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào 10h ngày mai 24/5.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên phúc thẩm. 

Tại phiên tòa, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử giảm từ 30-36 tháng tù cho cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ.

Tại phiên sơ thẩm, Phan Huy Anh Vũ nhận mức án 19 năm tù về các tội Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị cho bị cáo Lê Thị Hương (Kế toán Công ty AIC, sơ thẩm 36 tháng tù) và bị cáo Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty TNHH Tạ Thiên Ân, sơ thẩm 30 tháng tù) giữ nguyên hình phạt nhưng cho hưởng án treo.

Các bị cáo Vũ Quang Ngọc (cựu Phó giám đốc Công ty Mediconsult, sơ thẩm 3 năm 6 tháng), Lê Chí Tuân (nhân viên Công ty AIC, sơ thẩm 3 năm) cũng được Viện kiểm sát đề nghị giảm án.

Đối với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC), đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên mức án như sơ thẩm đã tuyên 12 năm tù.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên phúc thẩm. 

Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo đối với Công ty AIC (bị đơn dân sự) kháng cáo xin nộp khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án với số tiền 152 tỉ đồng.

Đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Hoàng Thị Thúy Nga phải bồi thường (bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị buộc bồi thường trên 103 tỉ đồng;  bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga phải bồi thường 15 tỉ đồng, bị cáo Trần Mạnh Hà phải bồi thường 15 tỉ đồng và Công ty AIC phải bồi thường 15 tỉ đồng).

leftcenterrightdel
 Cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ được đề nghị giảm án. 

Tại phiên phúc thẩm, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ đã phủ nhận cáo buộc chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn trúng thầu. Phan Huy Anh Vũ cho rằng, mình chỉ yêu cầu cấp dưới “đừng gây khó khăn gì”, sau khi được Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành giới thiệu.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ cũng cho rằng, đối với hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu, trong bối cảnh khi đó, bị cáo chịu rất nhiều áp lực từ phía lãnh đạo tỉnh về tiến độ dự án. Trong khi đó, đơn vị cung cấp được những trang thiết bị hiện đại như Công ty AIC thời điểm đó không có nhiều.

Về cáo buộc tội Nhận hối lộ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nói, bản thân không hề “đi đêm” với nhân sự của Công ty AIC để hưởng lợi cá nhân khi triển khai dự án. Khi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đi vào vận hành, bị cáo Trần Mạnh Hà (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) mới gửi tiền “cảm ơn”, tổng cộng 14,8 tỉ đồng.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ nói không hề biết tổng số tiền đã nhận, cho đến khi được Cơ quan điều tra thống kê. Với nhận thức trên, cựu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khai, không biết hành vi của mình là sai khi nhận tiền từ Công ty AIC.

Bác lại quan điểm của bị cáo Vũ, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Vũ buộc phải nhận thức việc “nếu không làm gì có lợi cho người ta thì người ta sẽ không cảm ơn mình”.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC tại phiên phúc thẩm. 

Còn bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) cũng kháng cáo với nội dung xin được giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại vai trò của mình trong vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nga đề nghị được đánh giá lại về 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Phạm tội có tổ chức và Phạm tội nhiều lần.

Trước đó, trong phần thủ tục, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận việc những người bào chữa có đơn kháng cáo cho các bị cáo đang bị truy nã gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo khác.

Đối với các bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, theo HĐXX cấp phúc thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm có tiếp nhận lưu trong hồ sơ thể hiện có đơn đề “Đơn kháng cáo”, người gửi Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, phong bì đựng đơn được gửi từ nước Mỹ.

Tuy nhiên, cấp phúc thẩm xét thấy, những đơn này không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Cục lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao...). Mặt khác, đến nay các bị cáo chưa ra trình diện trước pháp luật, không có tài liệu nào chứng minh các bị cáo đã nhập cảnh về Việt Nam, cũng như không có căn cứ chứng minh về nhân thân của các bị cáo.

Vì vậy, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định: “Không đủ căn cứ chấp nhận xem xét theo thủ tục xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh”.

Việc các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã đã từ bỏ quyền không có căn cứ để cho người bào chữa cho các bị cáo bỏ trốn được quyền kháng cáo.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo vắng mặt trong phiên tòa.

Vũ Phương