Đại diện VKS nêu căn cứ lượng hình cho nhiều bị cáo

Phiên tòa phúc thẩm vụ án thâu tóm đất vàng quân đội liên quan đến Nguyễn Văn Hiến và Đinh Ngọc Hệ kết thúc ngày 11/12/2020.

Tại phiên xét xử, Kiểm sát viên cao cấp Vũ Công Hoành (VKS Quân sự trung ương) phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát quân sự trung ương về giải quyết vụ án, theo đó, nhiều bị cáo được xem xét các tình tiết khi lượng hình.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"), đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm những tình tiết để giảm nhẹ một phần hình phạt, tuy nhiên, không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Hiến.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Văn Hiến được giảm 6 tháng tù giam.

Lý do là trong giai đoạn phúc thẩm, luật sư của bị cáo Hiến đã cung cấp những tài liệu mới, được xem là tình tiết giảm nhẹ, như gia đình được tặng bảng Gia đình vẻ vang, anh trai là liệt sĩ trong chiến tranh chống Mỹ, bị cáo Hiến có thời gian tham gia chiến trường Quảng Trị giai đoạn 1972 - 1973.

Còn đơn của cán bộ, chiến sĩ, người dân xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hiến không phải là tình tiết giảm nhẹ, nhưng cần được xem xét khi lượng hình.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt, nhưng không chấp nhận cho hưởng án treo với Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng kinh tế Quân chủng Hải quân, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 9 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai").

 Lý do là bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội, ăn năn, hối cải, xin được khoan hồng, hiện sức khỏe kém do mắc nhiều bệnh, vừa qua mổ tim. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cần được xem xét áp dụng cho bị cáo.

Đối với Phạm Văn Diệt (cựu Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"), đại diện VKS đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự, xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt, chấp nhận một phần kháng cáo.

Lý do là luật sư đã cung cấp một số tài liệu được xem là tình tiết giảm nhẹ, như bị cáo Diệt được UBND xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết tặng giấy khen vì có thành tích nhiều năm đóng góp xây dựng toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; giấy xác nhận của UBND xã Tiến Lợi về việc ủng hộ người nghèo, khuyết tật, làm đường… với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Bị cáo Diệt còn có tình tiết cần được xem xét khi lượng hình, là mẹ bị tai biến, liệt toàn thân; con trai bị cáo Diệt mắc bệnh rối loạn tâm thần phản ứng, chậm phát triển vận động. Bị cáo Diệt đã ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong vụ án. Yếu tố này cần xem xét giảm nhẹ hình phạt để khuyến khích người phạm tội hợp tác với cơ quan chức năng trong việc giải quyết vụ án.

Với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"), đại diện Viện kiểm sát đánh giá án sơ thẩm kết luận Hệ phạm tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" là có căn cứ, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hệ.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ, kết quả điều tra..., đại diện Viện kiểm sát cho rằng, đủ cơ sở kết luận Hệ là chủ mưu trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quyền sử dụng đất số 7-9 của Quân chủng Hải quân trên đường Tôn Đức Thắng.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo với bị cáo Đoàn Mạnh Thảo (Trưởng phòng Tài chính Quân chủng Hải quân). Thảo đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về  tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", vì xét hành vi phạm tội gây ra, hậu quả rất nghiêm trọng, cấp sơ thẩm đã áp dụng hết tình tiết giảm nhẹ.

Với Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành - Quân chủng Hải quân, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù vì tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai"), đại diện viện kiểm sát khẳng định hành vi của Nga gây hậu quả rất nghiêm trọng, cấp sơ thẩm đã áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo.

Với Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công ty Hải Thành, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù vì tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai"), đại diện Viện kiểm sát khẳng định án sơ thẩm với tội danh và hình phạt là đúng quy định pháp luật, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Giảm án cho nhiều bị cáo

Do có những tình tiết giảm nhẹ so với phiên tòa sơ thẩm nên tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiến - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, 3 năm 6 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", giảm 6 tháng so với bản án sơ thẩm nhưng không chấp nhận mức án treo như kháng cáo của bị cáo Hiến.

Bị cáo Phạm Văn Diệt được giảm từ 15 năm xuống 14 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do có tình tiết giảm nhẹ, khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, bị cáo Diệt vẫn phải chịu hình phạt bổ sung 60 triệu đồng.

Bị cáo Bùi Như Thiềm được giảm từ 9 năm tù xuống 8 năm 3 tháng tù vì tội "Vi phạm quy định sử dụng đất đai". Bị cáo Thiềm được giảm án vì có ăn năn, hối cải, xin được khoan hồng, hiện sức khỏe kém do mắc nhiều bệnh, vừa qua mổ tim.

leftcenterrightdel
 Giữ nguyên mức án với bị cáo Đinh Ngọc Hệ.

Tòa giữ nguyên tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và hình phạt 20 năm tù với Đinh Ngọc Hệ, giữ nguyên hình phạt bổ sung 80 triệu đồng. Trước đó, Đinh Ngọc Hệ đã bị Tòa án quân sự trung ương xử phạt 12 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Do vậy, Đinh Ngọc Hệ phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 30 năm tù.

Với tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", tòa giữ nguyên mức án với các bị cáo Đoàn Mạnh Thảo (Trưởng phòng tài chính Quân chủng hải quân) 7 năm tù; Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành - Quân chủng hải quân) 8 năm tù; Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Công ty Hải Thành) 4 năm tù.

Hà Nhân