Các bị cáo gồm: Đinh Thị Bình (SN 1993, ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội); Đinh Thị Thiện (SN 1995, em gái bị cáo Bình); Nguyễn Bá Minh (SN 1990, chồng bị cáo Thiện); Dư Văn Linh (SN 1989, chồng bị cáo Bình); Dư Văn Giang (SN 1984, anh trai bị cáo Linh); Lê Văn Đạo (SN 1983, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) và Dư Văn Kiên (SN 1982, anh trai bị cáo Linh).

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa.

Theo cáo trạng truy tố của VKSND TP Hà Nội, Đinh Thị Bình là đối tượng không có nghề nghiệp. Để có tiền tiêu xài, Bình nảy sinh ý định tổ chức đường dây mang thai hộ. Khoảng đầu năm 2021, Bình đến Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông, Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc để làm quen với những người có nhu cầu nhờ mang thai hộ.

Bình thỏa thuận chi phí mang thai hộ từ 650 - 700 triệu đồng một trường hợp, mang thai đôi thì phải trả thêm từ 30 - 50 triệu đồng và phải thanh toán theo giai đoạn do Bình yêu cầu.

Để tuyển chọn những người phụ nữ nhận mang thai hộ, Bình lên mạng xã hội Facebook, tham gia hội “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giúp các gia đình vô sinh hiếm muộn”, đăng nhiều bài viết với nội dung “Hỗ trợ hồ sơ mang thai hộ, hồ sơ xin trứng, cung cấp người hiến trứng, tư vấn xin trứng và mang thai hộ miễn phí”; và các bài viết với nội dung “Hiện tại rất cần các bạn nhận hiến trứng và mang thai hộ, yêu cầu 18 tuổi đến 33 tuổi” với giá từ 230 - 250 triệu đồng, được nuôi ăn ở chăm sóc miễn phí… Sau khi tuyển xong, Bình đưa những người này về căn hộ chung cư do Bình thuê để chờ xét nghiệm khi có người thuê mang thai hộ.

Khi “thiết lập” đường dây mang thai hộ, Bình rủ chồng là Dư Văn Linh cùng tham gia. Linh có nhiệm vụ đưa những người mang thai hộ đi nộp hồ sơ, khám, xét nghiệm, thụ tinh tại Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc hoặc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Ngoài ra, Bình còn lôi kéo vợ chồng em giá là Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh, cùng 2 anh chồng là Dư Văn Giang, Dư Văn Kiên tham gia đường dây tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại do Bình lập ra và điều hành. Trước khi tham gia đường dây mang thai hộ do chị gái lập ra, vợ chồng Thiện đã kiếm tiền bằng việc làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân giả, giấy chứng nhận kết hôn giả.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên tòa.

Thủ đoạn vợ chồng Thiện thực hiện là mua các thiết bị máy tính, máy làm con dấu, phôi giấy chứng nhận kết hôn, mực in, các loại giấy chuyên dùng để làm giả con dấu, tài liệu. Sau đó, Thiện lên mạng xã hội Facebook, đăng bài vào các hội nhóm “Hiến trứng”, “Mang thai hộ”, “Làm giấy tờ” với nội dung làm giấy tờ cho người có nhu cầu. Thiện chỉ nhận thông tin của khách qua tin nhắn Facebook rồi chuyển thông tin cho chồng là Nguyễn Bá Minh. Mức giá mà vợ chồng Thiện thu của khách là 500.000 đồng một giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, 1 triệu đồng một giấy chứng nhận kết hôn.

Do các Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội yêu cầu các trường hợp thụ tinh nhân tạo phải có chứng nhận kết hôn hoặc chứng nhận độc thân kèm theo người hiến tinh trùng, Bình đã nhờ vợ chồng em gái làm giả giấy chứng nhận kết hôn và giấy chứng nhận độc thân cho những người nhờ mang thai và người mang thai hộ. Vợ chồng Thiện biết phải có những giấy tờ giả trên thì vợ chồng chị gái mới tổ chức mang thai hộ được nên đã đồng ý.

Sau khi hoàn thiện giấy tờ giả cho từng trường hợp theo thông tin chị gái cung cấp, Thiện đưa lại cho Bình. Nhận giấy tờ trên, đến ngày thụ tinh nhân tạo, Bình đưa cho người mang thai hộ cầm đến trình với bộ phận quản lý hồ sơ của Bệnh viện để làm thủ tục hồ sơ, khám, hiến trứng và thụ tinh nhân tạo. Ngay sau khi thụ tinh thành công, Bình thu hồi lại rồi hủy bỏ.

Đối với 2 người anh chồng của Bình là Dư Văn Giang và Dư Văn Kiên, cơ quan chức năng xác định họ đã giúp sức cho em dâu bằng cách đóng giả người mang thai hộ, tráo nộp tinh trùng của người hiếm muộn cho các Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Liên quan tới vụ án, cơ quan chức năng xác định trong quá trình làm nghề môi giới bán trứng, tư vấn hỗ trợ sinh sản trước đây, Bình thường đưa người hiếm muộn đến khám tại phòng xét nghiệm Folap (ở quận Hà Đông, Hà Nội) sàng lọc trước sinh, ung thư sớm.

Tại đây, Bình quen biết với Lê Văn Đạo là nhân viên xét nghiệm. Quá trình quen biết, Đạo biết Bình tổ chức mang thai hộ nên đã nhờ Bình tổ chức mang thai hộ cho chú họ là ông Lê Hồng Th.

Bằng phương thức và thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ giữa năm 2021 đến tháng 4/2022, Đinh Thị Bình đã cùng Dư Văn Linh, Nguyễn Bá Minh, Đinh Thị Thiện, Lê Văn Đạo, Dư Văn Giang và Dư Văn Kiên tổ chức mang thai hộ 8 vụ. Trong đó, Bình thu lợi bất chính 232 triệu đồng, Đạo hưởng lợi 15 triệu đồng. Ngoài ra, Minh, Thiện, Bình còn làm giả hàng chục giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức. Trong đó, vợ chồng Thiện được hưởng lợi 10 triệu đồng.

Với hành vi nêu trên, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Bình 5 năm 6 tháng tù về 2 tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Bị cáo Thiện và Minh cùng bị tuyên 5 năm tù, bị cáo Linh 2 năm tù, bị cáo Kiên 8 tháng tù, bị cáo Giang 15 tháng tù và bị cáo Đạo 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Anh Tuân