Chiều 17/7, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục luận tội đối với 54 bị cáo trong vụ đại án "chuyến bay giải cứu”, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát nêu rõ hành vi trục lợi của các bị cáo. 

Việc phát hiện kịp thời, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện đồng bộ, triệt để, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm tham nhũng, kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Nhiều vụ án có quy mô, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã bị phát hiện xử lý.

Trong đó, vụ án này có số bị cáo bị khởi tố đang công tác ở nhiều bộ, ngành, địa phương; hành vi phạm tội, tính chất và mức độ phạm tội thuộc loại đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi; hành vi nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn của các bị cáo xảy ra trong thời điểm dịch COVID -19 bùng phát, bị dư luận xã hội lên án gay gắt.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo được ngồi nghe đại diện Viện kiểm sát luận tội và nêu quan điểm giải quyết vụ án. 

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, việc TAND thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vụ án này là thể hiện tính nghiêm minh, kịp thời xử lý hành vi phạm tội để răn đe các bị cáo và nhằm giáo dục chung.

Bản luận tội của Viện kiểm sát cũng nêu rõ, tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao Tổ công tác của 4 Bộ/5 Bộ cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.

Kết quả, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đã thực hiện các chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Việc tổ chức các chuyến bay này là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân.

Chủ trương đúng đắn, kịp thời này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thể hiện quyết tâm phòng, chống dịch nhằm đạt mục tiêu kép là vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; các cơ quan, cán bộ ngoại giao của Việt Nam trên khắp thế giới tích cực vận động ngoại giao để có Vắc xin phòng chống dịch và làm tốt công tác bảo hộ công dân; các nhân viên y tế, các chiến sỹ Công an trên cả nước là những người hăng hái trên tuyến đầu chống dịch bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân mình vì sự an toàn của người dân thì một số bị cáo trong vụ án này đã lợi dụng chủ trương nhân đạo, tốt đẹp của Nhà nước về việc đưa công dân về nước, một số cá nhân có thẩm quyền ở các Bộ, ngành đã lợi dụng trục lợi.

Các đối tượng trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin cho buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để chi phí, “bôi trơn”, đưa hối lộ...ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan nhà nước, làm mất đi mục đích, bản chất tốt đẹp của chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, phản bội lại chính sự cố gắng của đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình.

Do đó, việc khởi tố, truy tố và xét xử đối với các bị cáo là cần thiết, đảm bảo mục đích phòng ngừa chung cho toàn xã hội và răn đe, giáo dục riêng cho từng bị cáo.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án nghiêm minh, nhân văn đối với từng bị cáo. 

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị mức án đối với nhóm các bị cáo về tội Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 354, 364, 365, 356, 174 Bộ luật Hình sự.

Nhiều bị cáo phạm tội một cách trắng trợn, tinh vi, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi với số tiền nhiều tỉ đồng, nhiều lần được Viện kiểm sát đề nghị mức án nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị tuyên phạt Tử hình.

Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Công an bị đề nghị tuyên phạt từ 19 –đến 20 năm tù.

Vũ Anh Tuấn, cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đề nghị tuyên phạt từ 19 đến 20 năm tù.

Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị đề nghị tuyên phạt từ 12 đến 13 năm tù.

Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an bị đề nghị tuyên phạt từ 9 đến 10 năm tù.

Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bị đề nghị tuyên phạt từ 18 đến 19 năm tù.

Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị đề nghị tuyên phạt từ 9 đến 10 năm tù.

Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ bị đề nghị tuyên phạt từ 7 đến 8 năm tù.

Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản bị đề nghị tuyên phạt từ 4 đến 5 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị thu hồi triệt đề tài sản do phạm tội mà có đối với các bị cáo thu nộp ngân sách Nhà nước.

Như bị cáo Phạm Trung Kiên, bị cáo nhận hối lộ 253 lần 42.689.559.000 đồng (42.064.500.000 đồng và 27.000 USD), đã trả lại doanh nghiệp 12.241.000.000 đồng; số tiền Kiên hưởng lợi là 30.448.559.000 đồng. Gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên đã nộp lại số tiền 15 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho bị cáo; còn phải truy thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 15.448.599.000 đồng.

Tiếp tục kê biên tài sản là 1 căn hộ số 408 nhà R1, số 72A Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội để đảm bảo thi hành án theo Lệnh kê biên tài sản số 791/LKB-ANĐT-P5 ngày 24/3/2023.

Tiếp tục tạm dừng giao dịch thửa đất tại khu phố 12, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Định; Giấy chứng nhận số CH03366 cấp ngày 15/01/2020 thuộc sở hữu của bà Đỗ Thu Trang và ông Phạm Trung Kiên và Hoàng Thị Hương Thảo theo Công văn số 2119/ANĐT-P5 ngày 14/10/2022 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Vũ Phương