Ngày 11/7, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với 54 bị cáo trong vụ đại án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử thuộc các nhóm tội danh: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hơn 7h sáng, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã áp giải 54 bị cáo đến phiên tòa. Ngay sau khi bước xuống từ xe chuyên dụng, các bị cáo nhanh chóng được đưa vào phòng xét xử.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng tại phiên tòa. 

Nhiều bị cáo đến Tòa đeo khẩu trang, che kín mặt khi bước xuống từ xe thùng. Nhiều người thân của các bị cáo đứng bên ngoài hàng rào gọi tên, động viên.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 1 tháng, dưới sự điều hành của Hội đồng xét xử do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có 5 Kiểm sát viên chính và 4 Kiểm sát viên dự khuyết. Có 105 luật sư đã đăng ký bào chữa tại phiên tòa.

VKSND tối cao truy tố 54 bị can trong vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa. 

Sau phần thủ tục buổi sáng, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng của VKSND tối cao. Chiều 11/7, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục công bố cáo trạng. 

Đáng chú ý, hành vi  253 lần nhận tiền hối lộ với tổng số tiền 42.689.559.000 đồng của bị cáo Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Phạm Trung Kiên là Thư ký ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, có nhiệm vụ tiếp nhận, trình ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng/khách lẻ. Quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phạm Trung Kiên trên xe thùng được áp giải tới phiên tòa sáng nay. 

Từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ tổng cộng lên đến 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, với tổng số tiền 42.689.559.000 đồng (42.064.500.000 đồng và 27.000 USD). Sau khi vụ án được khởi tố, Phạm Trung Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân đại diện các doanh nghiệp, tổng số 12.241.000.000 đồng và đã được nộp lại Cơ quan An ninh điều tra Bộ Cong an.

Cáo trạng của VKSND tối cao đã chỉ rõ, những lần Phạm Trung Kiên nhận tiền tại trụ sở Bộ Y tế.

Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ ” theo điểm a khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng cũng nêu rõ hành vi nhận hối lộ 4.267.285.000 đồng của Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chỉnh phủ.

Từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2021, Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt chuyến bay. Biết được vai trò của Nguyễn Quang Linh, một số cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề nhờ Nguyễn Quang Linh xem xét, giúp giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Quang Linh trùm kín mũ, đeo khẩu trang từ xe thùng bước xuống. 

Cụ thể, ngày 8/12/2020, Công ty cổ phần Du lịch Thương mại Lữ Hành Việt (Công ty Lữ Hành Việt) gửi hồ sơ đến Văn phòng Chính phủ xin tổ chức các chuyến bay combo đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, nhưng không được các cơ quan chức năng cấp phép thực hiện chuyến bay, nên đầu năm 2021 Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt đã thống nhất với Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do), liên hệ với các cơ quan chức năng để xin cấp phép chuyến bay.

Thông qua giới thiệu của ông Vũ Ngọc Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thư ký Biên tập Văn phòng Chính phủ, cuối tháng 01/2021, Hoàng Anh Kiếm liên hệ, gặp Nguyễn Quang Linh tại phòng làm việc của Linh ở Văn phòng Chính phủ để nhờ giúp đỡ, tác động, cấp phép cho Công ty Lữ Hành Việt được tổ chức chuyến bay. Tuy nhiên, thời điểm này, do Chính phủ đang thực hiện chính sách giãn cách xã hội, hoãn các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, nên Linh đã trao đổi khi nào có chủ trương nối lại các chuyến bay thì sẽ thông báo để Kiếm biết.

Đến giữa tháng 3/2021, khi Chính phủ có chủ trương nối lại các chuyến bay, Linh chủ động trao đổi với Kiếm sẽ giải quyết cho Công ty Lữ Hành Việt tổ chức 2 chuyến bay để đánh giá về năng lực của Công ty và thỏa thuận với mức 10.000 USD/01 chuyến bay và hướng dẫn Kiếm chuẩn bị hồ sơ.

Sau khi Kiếm nộp hồ sơ, Linh chuyển hồ sơ cho Nguyễn Tiến Thân chuyên viên Vụ QHQT tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt 2 chuyến bay cho Công ty Lữ Hành Việt. Cuối tháng 3/2021, Kiếm tiếp tục gặp, đặt vấn đề và được Linh giúp Công ty Lữ Hành Việt phê duyệt 16 chuyến bay.

Quá trình giúp công ty Lữ Hành Việt được phê duyệt 18 chuyến bay trên, Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ của Hoàng Anh Kiếm 4 lần.

Đầu tháng 4/2021, Nguyễn Mai Anh liên hệ, gặp, đưa 100 triệu đồng cho Nguyễn Quang Linh tại phòng làm việc của Linh để Linh trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt nhanh 10 chuyến bay cho Công ty ATA và Công ty Investco của Nguyễn Thị Tường Vy.

Như vậy, từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2021, Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ 5 lần (4 lần của Hoàng Anh Kiếm, 1 lần của Nguyễn Mai Anh), tổng số 4.267.285.000 đồng.

 

Vũ Phương