Sáng 29/7, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoá, tranh luận với quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục đưa ra những lập luận, lý lẽ đầy sức thuyết phục.

Xác định lại số bị hại, không làm ảnh hưởng, thay đổi kết quả điều tra, truy tố

Quan điểm của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trịnh Văn Quyết và một số luật sư cho rằng, chỉ có cơ sở xác định 133 nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống là bị hại của vụ án; không có cơ sở xác định 30.403 nhà đầu tư là bị hại vì có nhiều người trùng tên; bị cáo Quyết không có ý thức chiếm đoạt tài sản.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát tranh luận, đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo tại phiên tòa.

Về quan điểm này, Viện kiểm sát có ý kiến như sau: Kết quả điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa đã xác định, trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS giá trị là 4.300 tỉ đồng được niêm yết trên sàn chứng khoán thì FAROS chỉ có hơn 1.197 tỉ đồng là vốn góp thật; còn lại hơn 3.102 tỉ đồng là vốn khống. Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, bị thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng. Đây được xác định là bị hại của vụ án là hoàn toàn có căn cứ.

Đến nay, có 133 người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; số bị hại còn lại được quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định.

Đối với 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, qua rà soát có trùng tên người sử dụng tài khoản như luật sư đề cập. Đến nay, có 25.853 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 4.818 tỉ đồng. Việc xác định lại số bị hại, không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra, truy tố của Cơ quan tố tụng. Bởi lẽ, 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu có giá trị nâng khống của bị cáo Trịnh Văn Quyết và bị thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng, tương đương với số tiền bị cáo đã chiếm đoạt.

Cáo trạng của VKSND tối cao không quy kết toàn bộ 4.300 tỉ đồng vốn góp chủ sở hữu của FAROS là khống, mà quy kết hơn 1.197 tỉ đồng là vốn thật và hơn 3.102 tỉ đồng là vốn góp khống. Kết quả điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa đã xác định rõ, đến tận thời điểm này bị cáo Trịnh Văn Quyết không còn sở hữu số lượng cổ phiếu đã bán tại FAROS. Toàn bộ số tiền bị cáo chiếm đoạt của các nhà đầu tư giao dịch qua 30.403 tài khoản chứng khoán đã được bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân như cáo trạng truy tố. Do đó, quan điểm này của luật sư là không có căn cứ chấp nhận.

Các bị cáo là người có trình độ chuyên môn, hưởng lương cao

Về quan điểm bào chữa của một số luật sư và bị cáo cho rằng, do thân chủ của mình hạn chế về nhận thức, giữ vị trí trong Công ty BOS, Công ty FAROS và một số công ty liên quan khác chỉ là hình thức, do bị cáo Quyết nhờ làm; ký chứng từ, tài liệu chỉ là thủ tục hành chính; không được bàn bạc, thống nhất; không biết hoạt động tại các đơn vị; do giữ nhiều vị trí trong Tập đoàn FLC và các công ty liên quan nên không quan tâm, không biết đến những công việc, nhiệm vụ mà mình phải làm. Do đó, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhưng không biết là sai.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Trước quan điểm này, Viện kiểm sát đối đáp như sau: Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, không có cơ sở để đưa ra lập luận như trên, bởi lẽ: một số bị cáo được bổ nhiệm, phân công, giữ chức vụ cao như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thành viên HĐQT; Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Kế toán trưởng, Trưởng Ban kiểm soát; Lãnh đạo các phòng, bộ phận chuyên môn… được hưởng lương với số tiền lớn; chịu trách nhiệm cho chủ trương, quyết định định hướng phát triển của doanh nghiệp và trực tiếp điều hành hoạt động của công ty.

Trên thực tế, hầu hết các bị cáo có trình độ chuyên môn cao; được đào tạo bài bản, có kiến thức xã hội; am hiểu pháp luật nên phải biết và buộc phải biết trách nhiệm, nhiệm vụ phải làm theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định, vị trí chức vụ mà mình đang đảm nhiệm.

Tuy nhiên, các bị cáo này hoàn toàn không bị ép buộc nhưng đã tự mình lựa chọn, quyết định thực hiện một hoặc nhiều công đoạn tội phạm trong một chuỗi hành vi cố ý, giúp bị cáo Quyết, bị cáo Huế thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng của VKSND tối cao đã truy tố. Do đó, quan điểm này của các luật sư và bị cáo là không có cơ sở chấp nhận.

Viện kiểm sát đồng tình và đánh giá cao quan điểm bào chữa của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Đỗ Quang Lâm, đây là bài học đắt giá cho bị cáo Lâm và các bị cáo khác khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý thì phải chịu trách nhiệm pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ.

Trịnh Thị Minh Huế giúp sức tích cực, chỉ sau vai trò của Trịnh Văn Quyết

Về quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Minh Huế cho rằng, cáo trạng quy kết bị cáo Huế giúp tích cực cho bị cáo Quyết là không có cơ sở; bị cáo Huế không biết chủ trương niêm yết cổ phiếu ROS; không điều hành toàn bộ việc nâng vốn góp khống tại Công ty FAROS; Viện kiểm sát đánh giá vai trò của bị cáo Huế là người thực hành tích cực cho bị cáo Quyết là quá nghiêm khắc; bị cáo Huế chỉ là đồng phạm giản đơn.

Trước quan điểm này, Viện kiểm sát đối đáp lại như sau: Viện kiếm sát khẳng định lại rằng, kết quả điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát và kết quả xét hỏi công khai tại phiên toà đã cho thấy, bị cáo Quyết trực tiếp chỉ đạo bị cáo Huế 5 lần thực hiện việc nâng vốn khống; sử dụng 190 tài khoản chứng khoán thao túng thị trường chứng khoán. Cáo trạng truy tố bị cáo Huế với vai trò giúp sức tích cực, chỉ sau vai trò của bị cáo Quyết là hoàn toàn có cơ sở.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế tại phiên tòa.

Lời khai của bị cáo Huế tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa phù hợp với tài liệu, diễn biến của vụ án thể hiện, bị cáo Huế tiếp nhận trực tiếp chỉ đạo của bị cáo Quyết để thực hiện toàn bộ hành vi soạn thảo thủ tục, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng ủy thác đầu tư, giấy nộp tiền, rút tiền, quay vòng dòng tiền nâng vốn góp khống; hoàn thiện thủ tục cổ đông để niêm yết cổ phiếu ROS; bán cổ phiếu, thu tiền cho bị cáo Quyết sử dụng.

Đối với tội Thao túng thị trường chứng khoán, bị cáo Huế đã tiếp nhận chỉ đạo trực tiếp của bị cáo Quyết, mượn chứng minh thư của các cá nhân, mở tài khoản, thao túng thị trường chứng khoán; thu tiền bán chứng khoán chuyển cho bị cáo Quyết sử dụng.

Toàn bộ tài liệu này có trong hồ sơ vụ án; được kết luận tại Bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an và được nêu rất rõ, quy kết trong cáo trạng của Viện kiểm sát mà luật sư đã được tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá. Do đó, quan điểm nêu trên của luật sư là không có căn cứ.

“Viện kiểm sát đề nghị, luật sư nghiên cứu lại hồ sơ vụ án, cáo trạng của Viện kiểm sát để không đưa ra những quan điểm, lập luận mâu thuẫn với lời nhận tội của bị cáo Huế và các bị cáo khác”, đại diện Viện kiểm sát đề nghị.

Hành vi phạm tội liên tục kéo dài, thu lời bất chính hơn 238 tỉ đồng

Về quan điểm của một số luật sư cho rằng không có cơ sở pháp lý để quy kết bị cáo Trịnh Văn Quyết và các bị cáo thao túng toàn bộ mã cổ phiếu HAI; cần phân tách hành vi thao túng mã cổ phiếu này thành hai giai đoạn trước và sau thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Từ đó, quy kết bị cáo Quyết và các bị cáo khác phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thu lời bất chính trong giai đoạn Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.

Trước quan điểm này, Viện kiểm sát đối đáp như sau: Căn cứ Kết luận giám định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hồ sơ tài liệu vụ án và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa, xác định: bị cáo Quyết, bị cáo Huế và các bị cáo khác thực hiện hành vi thao túng mã cổ phiếu HAI trong giai đoạn bắt đầu từ ngày 26/6/2017 kéo dài đến ngày 9/2/2018 mới kết thúc và thu lời bất chính hơn 238 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sáng 29/7.

Đây là hành vi phạm tội liên tục kéo dài, dẫn đến hậu quả bị cáo Quyết thu lời bất chính số tiền trên. Vì vậy, không có cơ sở phân tách hành vi thao túng mã cổ phiếu này thành hai giai đoạn trước và sau thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, để quy kết trách nhiệm cho bị cáo Quyết và các bị cáo khác. Do đó, quan điểm của luật sư là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

Đại diện Viện kiểm sát còn cho biết, tại phiên tòa, cũng có luật sư đại diện cho Công ty BOS đề nghị không xem xét về số tiền thu lợi của Công ty BOS là không có căn cứ.

Tham gia lừa đảo số tiền đặc biệt lớn, thao túng thị trường chứng khoán tần suất lớn

Đối với quan điểm của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trịnh Tuân và bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung cho rằng, Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố hai bị cáo này vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Quyết, bị cáo Huế là không có cơ sở.

Về quan điểm này, Viện kiểm sát đối đáp lại như sau: Các cá nhân có vai trò giúp sức hạn chế, không đáng kể nên cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự. Đối với bị cáo Dung, bị cáo Tuân, kết quả điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa xác định, bị cáo Dung ký hợp thức nâng vốn góp khống với số tiền đặc biệt lớn, 360 tỉ đồng; ký mở 25 tài khoản chứng khoán, trong đó, bị cáo Huế sử dụng 12/25 tài khoản chứng khoán, thao túng 263 phiên giao dịch và ký 102 chứng từ chuyển tiền, nộp tiền, rút tiền với tổng số tiền hơn 1.240 tỉ đồng.

Bị cáo Trịnh Tuân ký mở 33 tài khoản chứng khoán; trong đó, bị cáo Huế sử dụng 17/33 tài khoản thao túng 308 phiên giao dịch; ký 101 chứng từ chuyển tiền, rút tiền với tổng số tiền hơn 1.402 tỉ đồng và đứng tên cổ đông 150 tỉ đồng.

“Cả 2 bị cáo đều tham gia vào hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền đặc biệt lớn và thao túng thị trường chứng khoán với tần suất lớn, số tiền giao dịch qua tài khoản hơn 1.240 tỉ đồng đối với bị cáo Dung và hơn 1.402 tỉ đồng đối với bị cáo Tuân. Do đó, cáo trạng truy tố 2 bị cáo có vai trò đồng phạm tích cực là có căn cứ”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.

Hồng Nguyên - Vũ Phương