Số tiền đã nộp để khắc phục không đáng kể so với hậu quả thiệt hại

Ngày 27 và 28/7 (thứ Bảy và Chủ nhật), phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán, tiếp tục với phần tranh luận.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo đã cùng với luật sư bào chữa của mình tham gia tranh luận với quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa. Hầu hết, các bị cáo và luật sư đều cho rằng, vai trò phạm tội của bị cáo là mờ nhạt, thứ yếu, nghe theo sự chỉ đạo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC).

Trong bản luận tội, Viện kiểm sát xác định, bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mua Công ty Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên thành 4.300 tỉ đồng, đăng ký công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt số tiền hơn 3.621 tỉ đồng;

Bị cáo Trịnh Văn Quyết còn là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng; trong đó phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 4 mã chứng khoán, gồm: HAI, GAB, ART và FLC với số tiền thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.

“Viện kiểm sát ghi nhận thái độ hợp tác của bị cáo về việc mong muốn khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng đến thời điểm này, số tiền bị cáo đã nộp để khắc phục hậu quả là không đáng kể so với hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn mà bị cáo đã chiếm đoạt và thu lời bất chính là hơn 4.300 tỉ đồng. Do đó, cần có mức hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi và hậu quả do bị cáo đã gây ra”, bản luận tội nêu rõ.

Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 19 đến 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5 đến 6 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt là từ 24 đến 26 năm tù. 

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư Vũ Đặng Hải Yến cho rằng, chỉ 133 người mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán số cổ phiếu này mới đáp ứng các tiêu chí về bị hại.

Theo luật sư Yến, sau khi bị cáo Quyết bán cổ phiếu ROS ra thị trường, giá cổ phiếu này tăng liên tục trong một thời gian dài, từ tháng 7/2012 đến tháng 12/2021, từ giá ban đầu 2.000 đồng/cổ phiếu, tăng lên 13.600 đồng/cổ phiếu. Từ đó, luật sư Yến cho rằng, những bị hại mua cổ phiếu ROS ban đầu và bán trong giai đoạn tăng giá đều đã có lãi nên không thể coi là bị hại.

Dẫn chứng kết quả tra cứu ngẫu nhiên, luật sư Yến nêu 5 trường hợp bị hại đã bán cổ phiếu ROS và lãi hàng trăm triệu đồng, qua đó cho rằng khả năng có lãi của 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu "là rất lớn". Ngoài ra, nhiều bị hại trong danh sách 30.403 người này còn bị trùng lặp về nhân thân và địa chỉ, do đó, luật sư Yến nhận định, con số bị hại ít hơn cáo trạng nêu. Trên cơ sở đó, luật sư Yến đề nghị HĐXX chỉ công nhận tư cách của 133 bị hại với tổng số tiền thiệt hại thực tế hơn 2,2 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội các bị cáo.

Đồng ý cho niêm yết là do không có đầy đủ thông tin?

Đại diện Viện kiểm sát đánh giá: Các bị cáo thuộc Công ty Faros, Công ty kiểm toán, người thân quen của Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế… đã thực hiện sự chỉ đạo của Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống; ghi nhận thông tin gian dối này vào Báo cáo tài chính kiểm toán, Bản cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán. Các bị cáo thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng UBCKNN, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), đã sử dụng những thông tin gian dối trên Báo cáo tài chính kiểm toán và hồ sơ tài liệu của Công ty Faros cung cấp để chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE.

Riêng 4 bị cáo thuộc sàn HOSE, gồm: Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ và Lê Thị Tuyết Hằng, Viện kiểm sát xác định đây là những người có chức vụ, quyền hạn biết rõ chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của Công ty Faros là 4.300 tỉ đồng theo các Báo cáo tài chính kiểm toán và Công văn số 4298 ngày 1/7/2016 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhưng vì bị cáo Trần Đắc Sinh (Chủ tịch Hội đồng quản trị) có quan hệ với Trịnh Văn Quyết nhận lời làm nhanh hồ sơ niêm yết của Công ty Faros nên đã đồng ý niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE trái pháp luật, gây thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng cho 30.403 nhà đầu tư.

Bào chữa cho bị cáo Lê Hải Trà (cựu Phó tổng Giám đốc sàn HOSE), luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, HOSE là doanh nghiệp có nhiệm vụ tổ chức vận hành thị trường chứng khoán, nên quy trình, thủ tục liên quan đến đăng ký niêm yết mang tính hành chính, dựa trên bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp đăng ký, chứ không phải là cơ quan thẩm định hồ sơ đăng ký.

Luật sư Phan Hoài Trung cũng cho rằng, việc bị cáo Trà và các thành viên Hội đồng niêm yết biểu quyết, đồng ý cho Công ty Faros niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE là do tại thời điểm đó không có đầy đủ thông tin. Sau này, khi được Cơ quan điều tra cho biết, Công ty CPA Hà Nội thừa nhận thủ tục kiểm toán và các bằng chứng kiểm toán của Công ty CPA Hà Nội chưa đầy đủ để làm cơ sở đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với Báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 và ý kiến kiểm toán đưa ra đối với các Báo cáo tài chính nêu trên là chưa phù hợp, bị cáo Lê Hải Trà mới thực sự có điều kiện để nhận thức đầy đủ hơn kết quả điều tra và sai phạm của mình.

leftcenterrightdel
 Các luật sư tham gia tranh luận, bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa.

Trước đó, trong bản luận tội, Viện kiểm sát xác định bị cáo Lê Hải Trà là người có chức vụ, quyền hạn vì động cơ cá nhân và theo chỉ đạo của Trần Đắc Sinh nên đã đồng ý chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE trái pháp luật, để Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền, đã gây thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Hành vi của Lê Hải Trà đã phạm vào Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự, với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trần Đắc Sinh. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Hải Trà từ 6 đến 7 năm tù.

Cựu Chủ tịch sàn HOSE Trần Đắc Sinh: Áp lực giải quyết nhanh hồ sơ?

Bào chữa cho bị cáo Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh - HOSE), luật sư Đặng Văn Cường đề nghị HĐXX xem xét tính chất, mức độ hành vi của bị cáo Vũ, vì việc niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán phải theo quy trình, qua nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện với nhiều thủ tục; hồ sơ chuyển đến HOSE là khâu cuối cùng.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Vũ “làm nhanh” thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS là chưa phù hợp vì thời gian xử lý hồ sơ Faros là 50 ngày. Đồng thời, thời điểm 2016, bị cáo Vũ không thể "biết rõ” Faros nâng vốn khống nhằm mục đích lừa đảo như cáo buộc.

Quá trình các cơ quan chức năng xem xét việc Faros thay đổi đăng ký kinh doanh, đăng ký đại chúng, lưu ký chứng khoán thì Công ty này đã hoàn thiện hồ sơ tăng vốn đầy đủ… Đây là lý do khiến cho bị cáo Vũ khó phát hiện ra sai sót trong hồ sơ tăng vốn. Sau này, Cơ quan điều tra trưng cầu giám định tại Bộ Tài chính và thêm nhiều tài liệu chứng cứ khác thì mới có căn cứ vững chắc để xác định việc tăng vốn của Faros là tăng vốn ảo. Từ quan điểm trên, luật sư Cường đề nghị HĐXX xem xét, khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trầm Tuấn Vũ.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trịnh Văn Quyết (áo trắng, hàng đầu) và các bị cáo đứng nghe đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội.

Trước đó, trong phần luận tội, Viện kiểm sát xác định bị cáo Trầm Tuấn Vũ là người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chỉ đạo của Trần Đắc Sinh, đã đề xuất HĐQT, Hội đồng thẩm định chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE trái pháp luật, để Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền, đã gây thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Hành vi của Trầm Tuấn Vũ đã phạm vào Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự, với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trần Đắc Sinh. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trầm Tuấn Vũ từ 6 - 7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tranh luận tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Thị Yến (bào chữa cho bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch sàn HOSE) cũng đề nghị HĐXX xem xét về nguyên nhân bối cảnh mức độ hành vi của bị cáo.

Theo luật sư Nguyễn Thị Yến, thời điểm Faros nộp hồ sơ niêm yết, bị cáo Sinh cũng “chịu áp lực giải quyết nhanh hồ sơ” với mong muốn càng nhiều doanh nghiệp niêm yết càng tốt. "Bị cáo Sinh chỉ đạo cấp dưới giải quyết nhanh, không chỉ đạo hội đồng niêm yết làm trái quy trình", luật sư trình bày.

Theo luật sư Yến, bị cáo không thể nhận thức hết sai phạm của Faros. Hội đồng niêm yết (không có bị cáo Sinh) với 6 thành viên đã thống nhất cho Faros niêm yết. Do đó, luật sư Yến đề nghị HĐXX xem xét, vị trí, vai trò của bị cáo Sinh không phải là bị cáo chủ mưu.

Trước đó, trong phần luận tội, Viện kiểm sát xác định, bị cáo Trần Đắc Sinh là người có chức vụ, quyền hạn vì động cơ cá nhân, đã đồng ý và chỉ đạo các bị cáo chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE trái pháp luật, để Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền, đã gây thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Hành vi của Trần Đắc Sinh đã phạm vào khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự, với vai trò chủ mưu. Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Đắc Sinh từ 8 - 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hồng Nguyên - Vũ Phương