Sáng 25/7, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan bước sang ngày làm việc thứ 4.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa thẩm vấn bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ chuyển sang phần tranh luận và trước khi tranh luận, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa sẽ tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Tuy nhiên, tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX quay lại phần xét hỏi, thẩm vấn thêm bị cáo Trịnh Văn Quyết về các phương án bồi thường, khắc phục hậu quả vụ án, để làm rõ và ghi nhận tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Trong vụ án này, VKSND tối cao truy tố bị cáo Trịnh Văn Quyết về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, tương ứng với 2 nhóm hành vi vi phạm nêu trên, cụ thể: thao túng 4 mã cổ phiếu họ FLC, thu lợi bất chính 684 tỉ đồng và lừa đảo bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros, chiếm đoạt hơn 3.621 tỉ đồng. Bị cáo Quyết đã nhận trách nhiệm khắc phục toàn bộ số tiền này (hơn 4.200 tỉ), không liên đới đến 49 bị cáo còn lại.

Tại phiên tòa sáng 25/7, đại diện Viện kiểm sát nêu câu hỏi đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết: Đến nay bị cáo mới khắc phục hơn 200 tỉ đồng tiền mặt, tương đương 5% hậu quả (hơn 4.200 tỉ đồng), vậy phương án khắc phục số tiền còn lại như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Trịnh Văn Quyết khai, từ khi bị khởi tố, bị bắt ngày 29/3/2022, bị cáo đã nhiều lần gửi đơn đề nghị được tạo điều kiện khắc phục hậu quả vụ án. Ban đầu, Cơ quan điều tra chỉ khởi tố về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và khi làm việc với cơ quan tố tụng, bị cáo Quyết được thông báo số tiền phải đều bù để khắc phục hậu quả là khoảng 700 tỉ đồng. Do đó, bị cáo quyết định bán “tài sản tâm huyết nhất của mình” là Hãng hàng không Bamboo Airways với giá 700 tỉ đồng, để vừa đủ tiền đền bù thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Đến nay, người mua mới trả được 200 tỉ đồng, số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan điều tra (C01), Bộ Công an. Số còn lại 500 tỉ đồng, người mua cũng đã cam kết chuyển vào tài khoản của C01 trong lần thanh toán tới đây. Như vậy, thiệt hại trong hành vi thao túng chứng khoán đã được khắc phục.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trịnh Văn Quyết trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát.

Trình bày tiếp, bị cáo Quyết cho biết: Đến tháng 8/2022, Cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố thêm bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạn tài sản” liên quan cổ phiếu ROS, với số tiền cần bồi thường 3.621 tỉ đồng. Với hành vi này, bị cáo dự định sẽ bán toàn bộ tài sản của bị cáo để khắc phục hậu quả. Số tài sản của bị cáo bao gồm, 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC cùng các tài sản cá nhân khác, trị giá khoảng 4.800 – 5000 tỉ đồng.

Bị cáo Quyết cho rằng, tổng tài sản của FLC lên tới “hàng chục nghìn tỉ đồng” và đây là nói khiêm tốn theo giá trị thực, không phải giá trị trên sàn giao dịch. Bởi theo bị cáo Trịnh Văn Quyết, FLC là tập đoàn lớn, sở hữu từ 5 – 6 nghìn phòng khách sạn 5 sao cùng nhiều tài sản giá trị lớn khác, tính ra FLC phải có giá hàng tỉ USD và số cổ phần hơn 30% của bị cáo khi bán đi sẽ đủ để khắc phục hậu quả của vụ án.

Trước tòa, bị cáo Quyết xin HĐXX tạo điều kiện cho bản thân bị cáo cùng các luật sư của mình làm việc, bán tài sản của bị cáo để khắc phục hậu quả, trả tiền cho các nhà đầu tư ở cả 2 tội danh bị cáo vi phạm là thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng thừa nhận trong khối tài sản của FLC có tài sản đã thế chấp ngân hàng, có tài sản không thế chấp.

Trước diễn biến trên, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đề nghị, để ghi nhận đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, cần lùi thời gian luận tội đến chiều ngày 26/7. Đề nghị này của đại diện Viện kiểm sát đã được HĐXX chấp thuận.

Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng. Sau đó hoàn thiện thủ tục để niêm yết cổ phiếu, sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.621 tỉ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư.

Ở hành vi thao túng chứng khoán, với mục đích thu lợi bất chính thông qua các cổ phiếu đã niêm yết của các công ty trong Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân của 45 người để thành lập, đứng tên doanh nghiệp và mở 500 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán. Sau đó, sử dụng các tài khoản này đặt lệnh mua bán liên tục, mua bán khớp nội nhóm, mua bán khối lượng lớn vào thời điểm mở cửa, đóng cửa thị trường, đặt lệnh rồi hủy lệnh nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Qua đó, bị cáo Quyết thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Hồng Nguyên - Vũ Phương