Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị giảm mức án đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, giữ nguyên quan điểm luận tội đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành.  

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát đối đáp với các luật sư và bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Hà Tuân. 

Trước khi đối đáp với từng luật sư và bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị giảm hình phạt như đã đề nghị trong bản luận tội đối với bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về tội “Nhận hối lộ” từ 9 - 10 năm tù xuống còn 8 - 9 năm tù, giữ nguyên quan điểm luận tội và các căn cứ pháp luật áp dụng hình phạt.

Lý do đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm án cho bị cáo Đinh Quốc Thái được đại diện Viện kiểm sát đưa ra là do bị cáo Thái có thái độ rất thành khẩn, trung thực, hợp tác nhất so với các bị cáo trong vụ án. Việc đề nghị này cũng thể hiện sự công tâm, ghi nhận của Viện kiểm sát đối với tinh thần của bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, trong 36 bị cáo, bị cáo Đinh Quốc Thái là người thành khẩn nhất. Tại tòa, bị cáo Thái nhiều lần nhận tội, không yêu cầu luật sư gỡ tội mà chỉ để luật sư cung cấp tài liệu cho Hội đồng xét xử.

leftcenterrightdel
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái tại phiên tòa. Ảnh: Trần Tâm. 

Trong khi đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm luận tội.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thành đề nghị cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội tự thú.

Về đề nghị này, đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ, hồ sơ vụ án thể hiện từ ngày 1/7/2022 đến 12/10/2022 với 4 bản tường trình, 4 lần khai bị cáo Trần Đình Thành mới khai đầy đủ số lần, số tiền là tiền nhận hối lộ của Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Đây là kết quả đấu tranh của cơ quan điều tra đối với bị cáo Trần Đình Thành nên không phải là tình tiết tự thú theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

leftcenterrightdel
 Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Trần Đình Thành tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN.

Luật sư của bị cáo Trần Đình Thành cũng đề nghị thay đổi tội danh. Luật sư cho rằng, bị cáo Thành không có quyền hạn trong việc quyết định cho Công ty AIC trúng thầu, vì thế truy tố tội Nhận hối lộ với bị cáo Trần Đình Thành là chưa hoàn toàn thỏa đáng.

Về quan điểm này, đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ: “Bị cáo Trần Đình Thành có gần 20 năm làm Phó bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, hơn 10 năm làm Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai. Theo các quy định của Đảng và Luật tổ chức HĐND, UBND nay là Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Trước hết, Bí thư là người đứng đầu tỉnh ủy, chịu trách nhiệm cao nhất trước tỉnh ủy, Ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy cùng Tỉnh ủy, Ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân địa phương về sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực ở địa phương. Chịu trách nhiệm trực tiếp về những công việc được phân công.

Là Chủ tịch HĐND tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức HĐND, UBND. Như vậy bị cáo Trần Đình Thành có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định trên mọi lĩnh vực tại địa phương, trong đó có việc lãnh đạo quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của tỉnh, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong phạm vi được phân quyền.

Do đó, với quyền hạn Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thì bị cáo Trần Đình Thành không phải là không có bất cứ quyền hạn gì quyết định cho Công ty AIC trúng thầu.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cũng chỉ rõ về hành vi chỉ đạo của Trần Đình Thành để Công ty AIC trúng thầu qua các lời khai của bị cáo và các bị cáo tại phiên tòa. Lời khai của Trần Đình Thành phù hợp với lời khai của Phan Huy Anh Vũ.

Bị cáo Trần Đình Thành đã giới thiệu Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho bị cáo Thái và một số lãnh đạo sở, ngành tại địa phương, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng các gói thầu”.

Đại diện Viện kiểm sát cũng nhấn mạnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành 6 lần nhận tiền từ bị cáo Nhàn với tổng số 14,5 tỉ đồng từ năm 2010 – 2014 là chưa đúng pháp luật, chưa đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mà pháp luật quy định. Hành vi của bị cáo Trần Đình Thành là bị cấm, hành vi nhận tiền của bị cáo Thành diễn ra xuyên suốt, từ trước và sau khi đấu thầu. Do đã thực hiện các công việc do yêu cầu của Nguyễn Thị Thanh Nhàn để giúp Công ty AIC trúng các gói thầu.

“Không thể có những món quà có giá trị lớn bất thường nếu không làm được gì đó cho người đưa mà không phải là tác động đến người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi của Trần Đình Thành là “Nhận hối lộ” như cáo trạng đã quy kết”, đại diện Viện kiểm sát nói.

Về quan điểm của một số luật sư, Công ty AIC đã thực hiện tốt việc cung cấp máy móc, trang thiết bị góp phần cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hoạt động tốt, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong Luật đấu thầu đã giải thích rất rõ, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu để thực hiện gói thầu thuộc các dự án quy định trên cơ sở đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Việc Bệnh viện đã được cung cấp các trang thiết bị, máy móc góp phần để Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hoạt động tốt nhưng hoạt động đấu thầu ở đây là để giúp Nhà nước thực hiện được hàng hóa, dịch vụ có chất lượng ở mức giá thành thấp.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, việc đấu thầu đảm bảo được tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch thực sự thì nhà nước đã không thiệt hại số tiền trên 152 tỉ đồng như trong vụ án này đã được xác định. Bởi vậy, việc đánh giá hoạt động của Bệnh viện khác với hành vi của các bị cáo.

Vũ Phương