Sáng 29/7, tranh luận, đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo nhằm làm sáng tỏ nội dung của vụ án, làm rõ bản chất hành vi phạm tội của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cho biết, đối với tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, các luật sư bào chữa cho các bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh - HOSE), Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng giám đốc HOSE), Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, nguyên Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết, HOSE) đồng ý với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình. Riêng luật sư bào chữa cho bị cáo Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó Tổng Giám đốc HOSE) cho rằng, Viện kiểm sát quy kết bị cáo biết rõ Công ty Faros nâng vốn khống là không đúng; không có cơ sở quy kết bị cáo Vũ làm nhanh hồ sơ niêm yết.

leftcenterrightdel
 Hội đồng xét xử.

Về quan điểm này, đại điện Viện kiểm sát khẳng định, Cáo trạng của VKSND tối cáo không quy kết bị cáo Vũ biết rõ Công ty Faros nâng vốn khống mà quy kết bị cáo Vũ biết rõ chưa có cơ sở xác nhận số vốn thực góp của Faros là 4.300 tỉ đồng theo Báo cáo tài chính kiểm toán và Công văn 4298.

Đồng thời, Cáo trạng quy kết bị cáo Sinh vì động cơ cá nhân, quen biết, nể nang bị cáo Quyết, Doãn Văn Phương nên chỉ đạo các bị cáo, trong đó có bị cáo Vũ làm nhanh hồ sơ niêm yết. Viện kiểm sát không quy kết bị cáo Vũ làm nhanh hồ sơ niêm yết. Vì vậy, Cáo trạng của VKSND tối cao truy tố bị cáo Vũ đồng phạm giúp sức cho bị cáo Sinh là có căn cứ. “Do đó, quan điểm của luật sư đưa ra là không có cơ sở”, đại diện Viện kiểm sát bác bỏ.

leftcenterrightdel
 Tranh luận tại phiên, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra những căn cứ, lập luận đầy thuyết phục để bác bỏ quan điểm bào chữa của các luật sư.

Đối với các bị cáo bị truy tố tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, theo đại diện Viện kiểm sát, luật sư bào chữa cho các bị cáo bị truy tố về tội danh này đồng ý với Viện kiểm sát về tội danh đã truy tố. Riêng bị cáo Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) trong phần tự bào chữa có quan điểm Công ty Faros không bắt buộc phải đăng ký là công ty đại chúng; Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) không biết Faros có thực hiện niêm yết hay không.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Minh (cựu Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - VSD) cho rằng VSD không có thẩm quyền yêu cầu Công ty kiểm toán giải trình; Faros phải chịu trách nhiệm tính chính xác của hồ sơ đăng ký chứng khoán; VSD không liên quan đến niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE; hành vi của bị cáo Minh không gây ra hậu quả cho các nhà đầu tư.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Văn Thanh (cựu Tổng giám đốc VSD) đề nghị áp dụng Nghị quyết số 41 xử lý hành vi của bị cáo Thanh theo Điều 181a BLHS năm 1999.

Về những quan điểm trên, đại diện Viện kiểm sát đối đáp như sau: Để niêm yết cổ phiếu tại sàn HOSE, Công ty Faros phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 và 06 tháng năm 2016; đề nghị chấp thuận công ty đại chúng; đăng ký, lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS để giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Theo quy định tại Thông tư số 202/2015/TT-BTC ngày 18/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán; Điều 3, khoản 3: “Các thông tin, số liệu trong hồ sơ, bản cáo bạch phải căn cứ vào báo cáo tài chính được kiểm toán:… b) Ý kiến kiểm toán đối với khoản mục vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp phải là ý kiến chấp thuận toàn phần. Trường hợp ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là ý kiến ngoại trừ, thì yếu tố ngoài trừ không phải là khoản mục vốn chủ sở hữu và khoản mục trọng yếu khác như: tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định, các khoản phải thu, nợ phải trả”.

Vụ Giám sát công ty đại chúng có trách nhiệm đăng ký công ty đại chúng; kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán của các công ty được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.

Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm đăng ký chứng khoán lần đầu đối với cổ phiếu ROS theo quy định tại Điều 52 Luật chứng khoán năm 2006; Quyết định 22 ngày 13/3/2015 và số 48 ngày 27/4/2015 của VSD.

leftcenterrightdel
Bị cáo Trịnh Văn Quyết (áo trắng, bên trái) và các bị cáo tại phiên xét xử.

Kết quả điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa xác định, hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và đăng ký chứng khoán của Công ty Faros chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp là 4.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Lê Công Điền vẫn ký Công văn số 4298 chấp thuận Công ty Faros là công ty đại chúng, có số vốn góp là 4.300 tỉ đồng với 114 cổ đông; đăng thông tin gian dối này lên cổng thông tin điện tử của UBCKNN.

Đến ngày 4/7/2016, Vụ Giám sát công ty đại chúng có Công văn số 4309 thông báo về việc chấp thuận công ty đại chúng và tăng vốn của Faros gửi sàn HOSE để thẩm định chặt chẽ hồ sơ đăng ký niêm yết Faros. Do đó, lời tự bào chữa của bị cáo về việc Công ty Faros không bắt buộc phải đăng ký là công ty đại chúng; UBCKNN không biết Công ty Faros có thực hiện niêm yết hay không là không có căn cứ.

Còn bị cáo Dương Văn Thanh và bị cáo Phạm Trung Minh vẫn ký Giấy đăng ký chứng khoán số 86 ngày 24/8/2016 đăng ký 430 triệu cổ phiếu ROS có tổng giá trị là 4.300 tỉ đồng, nhập mã cổ phiếu ROS vào khu vực sàn HOSE và đăng thông tin gian dối này lên Website của VSD để Công ty Faros tiếp tục đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, sau đó bị cáo Quyết bán cổ phiếu chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, 3 bị cáo bị truy tố về tội danh này đều có vai trò, trách nhiệm thực hiện công việc cụ thể theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, đúng quy định của pháp luật. Nếu bị cáo Lê Công Điền không ký Công văn số 4298; bị cáo Dương Văn Thanh và bị cáo Phạm Trung Minh không ký Giấy đăng ký chứng khoán số 86; sàn HOSE không niêm yết cổ phiếu ROS thì bị cáo Trịnh Văn Quyết không bán được cổ phiếu và không chiếm đoạt được tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Do đó, quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Minh là không có căn cứ.

Đối với quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Văn Thanh đề nghị áp dụng Nghị quyết số 41 xử lý hành vi của bị cáo theo Điều 181a BLHS năm 1999.

Về quan điểm này, đại điện Viện kiểm sát cho biết, hành vi của bị cáo Thanh xảy ra trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực. Tuy nhiên, đến năm 2022 hành vi này mới bị khởi tố, điều tra. Căn cứ Nghị quyết số 41 của Quốc hội, VKSND tối cao đã truy tố bị cáo Dương Văn Thanh về tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, quy định tại khoản 2 Điều 209 Bộ luật Hình sự là đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Như vậy, về đề nghị của luật sư đã làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Hồng Nguyên - Vũ Phương