leftcenterrightdel
 TP Hồ Chí Minh thí điểm áp dụng phương án sản xuất “4 xanh” và “3 tại chỗ”. (Ảnh:minh họa)

Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza) vừa có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn tại các vùng xanh đến 30/9. Đáng chú ý, Hepza sẽ phối hợp cơ quan chức năng cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng" COVID-19 cho lao động, làm cơ sở để các nhà máy bảo đảm an toàn khi sản xuất trở lại bắt đầu từ hôm nay đến hết ngày 30/9.

Theo đó, các doanh nghiệp tại các KCX-KCN nằm trong các địa phương kiểm soát được dịch an toàn là quận 7 và huyện Củ Chi sẽ được thí điểm lựa chọn phương thức hoạt động với điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cụ thể, doanh nghiệp tại KCX Tân Thuận (quận 7) có thể áp dụng 1 trong 3 phương thức sản xuất là "4 xanh" (người lao động xanh, cung đường xanh, nơi sản xuất xanh và vùng sản xuất xanh), "3 tại chỗ" (vừa sản xuất vừa cách ly) hoặc kết hợp giữa "4 xanh" và "3 tại chỗ".

Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, các doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động tại KCN Tây Bắc Củ Chi từ ngày 16 đến 23/9 được lựa chọn 1 trong 2 phương thức là "4 xanh" và "3 tại chỗ". Cụ thể, các doanh nghiệp đang "3 tại chỗ" vẫn tiếp tục hoạt động và được phép giảm hoặc bổ sung người lao động. Sau thời gian này, Hepza sẽ xem xét đánh giá để áp dụng kéo dài thí điểm đến 30/9. Riêng đối với người lao động tại KCN Đông Nam, KCN cơ khí ô tô, KCN Tân Phú Trung, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện "3 tại chỗ" đến 23/9. Sau đó, Hepza sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xem xét áp dụng mở rộng phạm vi thí điểm các phương thức sản xuất phù hợp.

Ngoài ra, tại huyện Củ Chi, Hepza yêu cầu tỉ lệ người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong thời gian thí điểm không vượt quá 50% tổng số lao động của mỗi công ty. Đối với phương thức "4 xanh", doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động có "thẻ xanh" COVID-19 làm việc; người lao động cư trú tại các địa bàn vùng xanh; không có F0 trong 7 ngày gần nhất.

Đối với phương thức "3 tại chỗ", doanh nghiêp sử dụng lao động có "thẻ xanh" hoặc "thẻ vàng", hoặc người lao động đã tiêm một mũi vắc xin đủ 14 ngày hoặc chưa đủ 14 ngày nhưng đang thực hiện "3 tại chỗ". Người có "thẻ xanh" COVID-19 là người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin và đã qua 14 ngày, người đã hồi phục sau khi bị nhiễm COVID-19. Người có "thẻ vàng" COVID-19 là người đã tiêm một mũi vắc xin trên 14 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính.

Trước đó, ngày 12/9, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ để nghe báo cáo về kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế của huyện này.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh cho biết, huyện đã có kế hoạch khôi phục lại ngành du lịch, trong đó xây dựng tour du lịch khép kín và dự kiến đến 30/9 có thể mở tour thí điểm đầu tiên. "Từ khi được coi là “vùng xanh” của thành phố, huyện đã từng bước khôi phục lại ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Đối với ngành du lịch, huyện dự kiến sẽ xây dựng theo tour khép kín, cung đường khép kín và hành khách không được dừng dọc đường, không đi ngang dọc mà chỉ ở trong khu vực nhất định khi đến Cần Giờ. Để phục vụ ngành du lịch, huyện cũng xem xét mở lại hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, ăn uống tại chỗ với quy mô nhỏ nhưng đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người) tùy theo mức độ kiểm soát dịch bệnh và khuyến nghị của ngành y tế", ông Lê Minh Dũng cho biết.

Theo báo cáo của huyện cần Giờ, việc khôi phục kinh tế của huyện Cần Giờ có nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (từ 16/9 đến 31/10) , tập trung mở cửa theo hướng dẫn của thành phố thì huyện cũng đề xuất thí điểm mở thêm một số hoạt động. Cụ thể, các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của người dân và phương tiện tại địa phương; tổ chức lại hoạt động chợ truyền thống, cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trong dân...

Tán đồng với việc mở cửa lại ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, tour du lịch đầu tiên này thành phố sẽ chiêu đãi lực lượng tuyến đầu sau nhiều tháng căng mình chống dịch. Bởi khi đi du lịch sẽ giúp các lực lượng tuyến đầu tái tạo sức khỏe để chuẩn bị tốt nhất cho công tác tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện nay huyện Cần Giờ đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và tiếp tục cố gắng giữ vững trong sạch địa bàn để phát triển dịch vụ, du lịch. Trong đó, khi phát triển du lịch có thể khoanh từng vùng để tập trung khôi phục lại du lịch nội địa.

Mai Phong