Theo đánh giá của các chuyên gia, để có được những điều đó ngoài những chính sách hỗ trợ kịp thời, “đúng và trúng” của Chính phủ, đó còn là sự chủ động tìm lối đi cho mình của DN. Tuy nhiên, về lâu dài, để có thể phục hồi được sản xuất khi mà tình hình dịch bệnh vẫn được dự báo còn phức tạp, đòi hỏi cần những sách lược dài hơi.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời
Chia sẻ về những khó khăn hiện nay của DN, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện có 70% nhà máy cá tra đã ngưng sản xuất nên cá tra đến lứa thu hoạch vẫn đang "nằm thở dưới ao". Trong khi đó, để duy trì lượng cá quá lứa thu hoạch này, các DN mỗi ngày phải chi tiền thức ăn cho cá lên đến hàng chục triệu đồng/ao. “Không cho ăn thì cá sẽ chết, cho ăn thì tốn tiền, mà ăn thì cá lớn vượt size cũng không bán được” - ông Nam phân tích.
Còn theo báo cáo của Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay có 2 khó khăn cần ưu tiên tháo gỡ đối với DN thủy sản. Đó là: cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn với cơ sở nuôi nên cần vận chuyển qua các địa phương khác nhau. Vì vậy, khâu vận chuyển (kể cả đường bộ và đường thủy) cần tiếp tục được thông suốt để bảo đảm sản xuất. Thứ hai, các nhà máy chế biến là khâu đặc biệt quan trọng trong chuỗi thủy sản. Do thiếu công nhân, không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”… nên một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, gây khó khăn cho các cơ sở nuôi khi đến kỳ phải thu hoạch sản phẩm.
|
|
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà máy chế biến lúa gạo bị thiếu nhân công, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. |
Không chỉ là thủy sản, hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của các nước vẫn rất lớn nhưng do đứt gãy chuỗi cung ứng, các DN không giao hàng được. Cụ thể, Tân Cảng là cảng container chính ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục, lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc… Cùng với đó, do tâm lý lo sợ dịch bệnh, chính quyền cơ sở nhiều nơi còn cứng nhắc trong khâu tổ chức sản xuất, thu hoạch, thu mua, lưu thông vận chuyển hàng hóa và vật tư nông nghiệp.
Nhìn lại cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua của Việt Nam có thể thấy, ngoài những quyết sách để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, Chính phủ vẫn luôn cố gắng để có những chính sách hỗ trợ DN. Điều này thể hiện qua việc tháo gỡ những khó khăn trực tiếp của từng DN, từng ngành hàng như quan điểm “không ngăn sông cấm chợ”, hỗ trợ DN thực hiện “3 tại chỗ”, các giải pháp về miễn, giảm thuế…
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách của năm 2020 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện là gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm các khoản thuế phí, lệ phí. Dự kiến trong năm 2021, khoản hỗ trợ là 118.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định một số giải pháp đó là: Tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ có doanh thu dưới 200 tỉ đồng; giảm các loại thuế phải nộp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh hàng quán với mọi hình thức khai nộp thuế, chúng tôi dự kiến là sẽ giảm 50%; Thực hiện giảm thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như giao thông vận tải, kinh doanh lưu trú, du lịch; Miễn tiền chậm nộp thuế cho người nộp thuế gặp khó khăn; Giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn, tổng giá trị ước tính của gói hỗ trợ tiếp theo mà Bộ Tài chính đang đề xuất là trên 20.000 tỉ đồng…
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, trong năm 2020, NHNN đã hạ lãi suất điều hành và các NHTM đã hạ lãi suất cho vay. Mức giảm trung bình khoảng 1,2-1,5% trong năm 2020 so với mức lãi suất trước đó và trong 7 tháng đầu năm 2021, lãi suất đã giảm thêm khoảng 0,5% nữa.
Các NHTM đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỉ đồng.
Ngoài ra, 4 NHTM có vốn Nhà nước gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank cũng đã đồng thuận và nhất trí sẽ giảm lãi suất vay thêm mỗi ngân hàng khoảng 1.000 tỉ đồng cho một số địa phương như: TP HCM, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16. Bên cạnh việc giảm lãi suất này, 4 ngân hàng cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương nói trên…
Cần hơn nữa những giải pháp “dài hơi”
Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, nhiều DN cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh là khá nặng nề, sự hồi phục không thể ngày một, ngày hai. Vì vậy, ngoài những giải pháp trước mắt, cũng cần có những chính sách hỗ trợ “dài hơi” hơn, hiểu được những khó khăn thực sự của DN là gì.
|
|
Hỗ trợ tối đa, nhanh chóng giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa trong mùa dịch. |
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, trong giai đoạn cấp bách hiện nay, việc chống dịch được đặt ưu tiên cao hơn, nhưng về lâu dài không thể không tính đến các biện pháp duy trì dân sinh, dân kế. Việc cân nhắc thời điểm mở cửa trở lại cho sản xuất, áp dụng hình thức vừa sản xuất, vừa chống dịch như thế nào là điều các DN đang mong mỏi hiện nay. Để hiện thực hóa ý tưởng tạo "vùng xanh" cho sản xuất, theo ông, nên cho phép những DN đã có đa số công nhân đã được tiêm vắc xin, đáp ứng yêu cầu giãn cách trong sản xuất, trang bị đầy đủ phòng hộ cá nhân được hoạt động trở lại, không yêu cầu phải "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm".
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao của Học viện Tài chính nhìn nhận, những giải pháp hỗ trợ miễn, giảm thuế đang được xây dựng là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Song, theo ông, khi xây dựng chính sách, quan trọng là cần cụ thể hoá các quy trình, đơn giản hoá thủ tục để DN, người dân không gặp khó khăn khi tiếp cận. Trong đó, cần tính đến việc nhiều DN, hộ kinh doanh, người dân đang ở các khu vực giãn cách xã hội, rất khó để có các giấy tờ, các bản xác nhận trong điều kiện bình thường. Do đó, các quy trình phải rất rõ ràng, có thể áp dụng điện tử hoá hoặc bãi bỏ, đơn giản hoá tối đa thủ tục…
Không chỉ thực hiện những giải pháp hỗ trợ trước mắt, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1079/CĐ-TTg yêu cầu 10 bộ thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, khơi thông các “điểm nghẽn”, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.