Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ đăng đàn trả lời về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch. Công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội cũng sẽ được đề cập.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà có 5 phút để giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Ông cho hay trong nhiều năm qua từ đầu nhiệm kỳ, ngành xây dựng và Bộ Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng.

“Ngành xây dựng và Bộ Xây dựng đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã - hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng”, ông nói.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận ngành Xây dựng còn nhiều hạn chế tồn tại và đang đưa ra các biện pháp nhằm sớm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, từ đó sớm khắc phục các mặt hạn chế.

Mở đầu chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nêu một loạt khu đô thị "ma", khu đô thị bị phá vỡ quy hoạch, không có nhà trẻ, khuôn viên công cộng thiếu vắng, Bộ trưởng có giải pháp gì và người dân phải chờ đợi mất bao lâu để được giải quyết?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay bộ mặt đô thị nước ta đang được quy hoạch cơ bản, ngày càng xanh sạch đẹp hơn, đáp ứng được cơ bản nguyện vọng đời sống, nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Tuy nhiên, công tác quản lý đô thị cũng còn những hạn chế, bất cập như đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý nêu.

Nguyên nhân là công tác quy hoạch, kiểm soát phát triển đô thị còn chưa theo kịp sự phát triển. Chất lượng quy hoạch đã bộc lộ những hạn chế, trong đó chất lượng quy hoạch thấp, một số quy hoạch đã dự báo chưa đúng tình hình, khả năng tăng trưởng đô thị dẫn đến việc tính toán sai cấu trúc không gian đô thị. Điều này dẫn tới các dự án đầu tư cũng đã thiếu một số căn cứ.

Nguyên nhân thứ hai là đồ án quy hoạch cũng thiếu một số điều kiện cụ thể, ví dụ vẽ ra nhiều hạng mục nhưng nguồn lực để thực hiện thì vướng, thiếu.

Bộ trưởng cũng cho rằng trong khâu tổ chức thực hiện quy hoạch còn chậm, việc cắm mốc thực địa, công khai quy hoạch, thực hiện quy chế quản lý sau đồ án còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Chính vì thế có tình trạng xây dựng các khu đô thị nhưng không đi kèm với hạ tầng xã hội, khi giải phóng mặt bằng thì không triệt để được chuyện một số nhà không đủ diện tích cho nên mới xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ có trách nhiệm chưa có sự phối hợp quản lý đôn đốc thực hiện với một số địa phương. Bộ cũng chậm thực hiện, thực hiện chưa hiệu quả trong một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ.

"Trong đội ngũ cán bộ cũng có một số bộ phận chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm", Bộ trưởng nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh việc công khai quy hoạch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ. "Tôi tin rằng tới đây chúng ta tăng cường công tác quản lý, phối hợp tốt với các địa phương thì tình hình sẽ được kiểm soát", ông Hà nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ ra trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc quản lý trật tự đô thị.

Trả lời, Bộ trưởng Hà cho hay, Việt Nam đã có khung pháp luật tương đối đầy đủ các quy định để xử lý hiệu quả các vấn đề về trật tự xây dựng. “Trong thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng để kiểm soát, quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Số lượng vi phạm đã giảm dần so với những năm trước nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là những hành vi xây dựng không phép, sai phép”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay năm 2016 có 15.593 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, công trình không phép là 7.038, sai phép là 5.164 công trình, vi phạm khác là 3.181 công trình. Đến năm 2018, số lượng công trình sai phạm đã giảm còn 10.608. Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn cao.

Hà Nhân