Các đường dây ma túy sản xuất, vận chuyển, buôn bán với số lượng “khủng”, dẫn đến số người sử dụng ma túy ngày càng nhiều, là mầm mống của nhiều loại tội phạm khác.Nhiều đại biểu chất vấn và mong muốn Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có giải pháp quản lý các đối tượng nghiện ma túy.

Gây thảm án, tai nạn giao thông do ảo giác ma túy

Theo báo cáo của Bộ Công an, tình hình tội phạm giết người vẫn diễn biến phức tạp. Riêng 5 tháng đầu năm, xảy ra 447 vụ giết người (tăng 3,47%); 15 vụ giết người cướp tài sản (tăng 15,38%) so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...) .

Bộ Công an phân tích, có khoảng 15-17% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; 60-70% do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu; xuất hiện ngày càng nhiều vụ giết người do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp ("ngáo đá") gây ra.

Có thể kể đến vụ giết, hiếp nữ sinh giao gà do các đối tượng nghiện ma túy gây ra ngày 4/2 tại Điện Biên. Hay như vụ Nguyễn Võ Ngọc Bảo “ngáo đá” giết, cướp tài sản của mẹ đẻ và em trai ruột xảy ra ngày 5/1 tại Ninh Thuận; vụ Trịnh Viết Ba (hành nghề thầy cúng) dùng dao giết 2 người, bị thương 2 người là hàng xóm xảy ra ngày 4/3 tại Nam Định; vụ Nguyễn Hoàng Nam “ngáo đá” chém chết bố, mẹ, bà nội tại TP.HCM và 1 người khác tại Long An xảy ra ngày 11/3.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Tô Lâm: Sẽ xem xét quy định xử lý hình sự người nghiện ma túy

Tương tự, hàng loạt vụ khác như: vụ các đối tượng giết 2 người sau đó đổ bê tông trong thời gian dài mới bị phát hiện tại Bình Dương; vụ Nghiêm Thị Nhi giết chết 3 bà cháu hàng xóm xảy ra ngày 24/5 tại Lâm Đồng; vụ Trần Văn Cường giết vợ đang mang thai tháng thứ 8 và con gái xảy ra ngày 27/5 tại Bình Dương…

Ma túy còn ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn thương tâm như: vụ tai nạn giao thông ở Vĩnh Phúc làm chết 7 người; ở Hải Dương làm 8 người chết...Trước câu hỏi của đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) về việc khôi phục tội sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật Hình sự, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định sẽ nghiên cứu tổng kết, xử lý.

Theo ông Lâm, cần quản lý, tránh gia tăng số người nghiện ma túy vì từ nghiện ma túy có thể dẫn đến các loại hình tội phạm khác. Ngoài ra, làm giảm nhu cầu tiêu thụ chất ma túy là hướng đi tích cực để ngăn chặn nạn buôn lậu, mua bán trái phép chất kích thích.

Đại tướng Tô Lâm cũng thông tin Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề trật tự trị an tại cơ sở. Mục tiêu cao phải là xử lý vấn đề tội phạm từ sớm, công tác phòng chống ngăn chặn không để hình sự xảy ra chứ không phải xảy ra rồi lực lượng công an mới đến.

Khôi phục quy định xử lý hình sự người nghiện ma tuý?

Về vấn đề tội phạm liên quan đến ma túy, ông Lâm báo cáo với Quốc hội đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy đang có những phương thức mới. Theo đó, người nước ngoài bắt đầu tham gia vào loại hình tội phạm ma túy mà những đường dây lớn chủ yếu do họ điều hành. Nhiều cá nhân nước ngoài lợi dụng cơ chế quản lý của nước ta trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, ý đồ biến Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển.

Ngoài ra, các đối tượng ma túy đang có xu hướng sản xuất số lượng lớn, sử dụng công nghệ cao tại khu vực Tam Giác Vàng rồi chuyển vào Việt Nam. Theo Bộ trưởng, tính chất quốc tế của những hình thức rất nghiêm trọng, Bộ đang nỗ lực vào cuộc và nâng cao trách nhiệm đối với lực lượng thực thi pháp luật tại cơ sở.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng luật pháp hiện nay vẫn còn nhiều khe hở, năng lực của đội ngũ cán bộ và trang thiết bị có nhiều hạn chế.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chỉ ra: Trong các nguyên nhân khiến tệ nạn ma tuý diễn biến phức tạp, có ý kiến nói rằng do chúng ta xem người nghiện ma tuý là người bệnh, không phải là tội phạm. Vậy theo Bộ trưởng, có nên khôi phục lại quy định người sử dụng ma tuý là người vi phạm pháp luật không?

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng số người nghiện ma tuý ngày càng có xu hướng tăng, trong đó có nguyên nhân từ quy định người nghiện ma tuý không bị xử lý hình sự, đưa người nghiện vào cai nghiện thì rất khó khăn. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm nói: "Việc bỏ quy định tội hình sự đối với người sử dụng ma tuý trong Bộ luật Hình sự thời gian qua, Bộ Công an và cá nhân tôi hứa sẽ nghiên cứu, đề xuất biện pháp, trong đó có nghiên cứu khôi phục lại quy định này".

Trả lời câu hỏi về vấn đề quản lý đối tượng ngáo đá trước khi gây án, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đang có một giải pháp đó là tăng cường hướng dẫn công an địa phương để quản lý nhóm đối tượng này. Bộ hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ để nhận diện, lên danh sách các đối tượng ngáo đá để có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng này ngay tại địa phương.

"Dù khả năng gây án của nhóm đối tượng này là rất lớn nhưng trên thực tế họ vẫn chưa phạm tội nên chưa thể xử lý được, chỉ có thể theo dõi và phòng tránh", ông Tô Lâm nói.

Cơ sở cai nghiện quá tải, tỉ lệ người nghiện tái nghiện cao

Làm rõ thêm về công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma tuý, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết hiện cả nước có 120 cơ sở cai nghiện ma tuý, trong đó có 105 cơ sở công lập. Trong đó, số người nghiện hiện này là khoảng 40.000 người.

Ông cho biết, sau khi triển khai đề án đổi mới công tác cai nghiện và sau phiên họp của Chính phủ với 21 tỉnh về vấn đề này thì việc triển khai đề án có tiến bộ, cơ sở cai nghiện quản lý tốt hơn, tạo môi trường thân thiện, quản lý và hỗ trợ sau cai nghiện được cải thiện.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lao động chia sẻ có 2 cái khó. Trước hết, hầu hết các cơ sở quá tải, nhiều nơi quá tải gấp đôi, cá biệt có nơi quá tải gấp 4 lần. Bên cạnh đó, hầu hết người nghiện đều có tiền án tiền sự. Cái khó nữa là các cơ sở cai nghiện đều thiếu phác đồ điều trị, thiếu bác sĩ và người có chuyên môn sâu.

“Quá tải về cơ sở vật chất nên học viên phá trại, phá cơ sở, bằng mọi lý do gây xung đột. Thời gian qua, việc phối hợp giữa các ngành có tiến bộ nhưng ở một số địa phương, họ muốn làm trong sạch địa bàn nên đưa hết người nghiện vào mà không phân loại, nên gây hệ quả nhất định”, ông Dung giải thích.

leftcenterrightdel
 Bộ Trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung: Nhiều cơ sở cai nghiện quá tải

Bộ trưởng Dung thừa nhận chất lượng, hiệu quả cai nghiện thấp, 90% tái nghiện. Số tái nghiện chủ yếu rơi vào thanh niên. Ông đề nghị tới đây cần giảm cung, giảm cầu rồi mới giảm tác hại. Nhưng quan trọng nhất, theo Bộ trưởng Dung là quản lý giáo dục tại gia đình, xã hội cho chặt chẽ, không để thanh niên vào con đường nghiện ngập, vì nghiện rồi thì tái nghiện rất cao.

Ông đề nghị triển khai đồng thời 3 mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc, trong đó cai nghiện bắt buộc là khâu cuối cùng khi 2 giải pháp kia không có hiệu quả.

Hiện nay các đối tượng phạm tội ma tuý hoạt động rất phức tạp, trong đó chúng mong muốn gia tăng số người nghiện trong nước để tăng nhu cầu sử dụng. Do đó, nếu chúng ta có quy định mạnh mẽ, có các biện pháp đấu tranh hiệu quả hơn thì sẽ góp phần phòng, chống tội phạm ma tuý.

Việc quản lý người nghiện tốt cũng là giải pháp ngăn chặn hệ lụy xấu, ngăn chặn tội phạm phát sinh từ cơ sở.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, dù vẫn kêu các trung tâm cai nghiện quá tải, nhưng số lượng các trung tâm cai nghiện những năm gần đây giảm rõ rệt so với các năm trước. Vì vậy cần sự vào cuộc một cách nghiêm túc và bắt buộc, không để người nghiện gây hậu quả cho xã hội.

Hà Nhân