Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, sáng 4/6 về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, câu hỏi của đại biểu tập trung vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen". Các đại biểu kỳ vọng Bộ Công an sẽ có biện pháp quyết liệt để trấn áp loại tội phạm này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là thành viên đầu tiên của Chính phủ tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Tô Lâm trả lời về nhóm câu hỏi liên quan đến tín dụng đen. Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định lực lượng chức năng sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này"

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong đấu tranh phòng chống tội phạm tín dụng đen. Tuy nhiên, ông lo ngại trong diễn biến phức tạp của loại tội phạm này. Mới 5 tháng đầu năm 2019, chúng ta đã triệt phá 933 băng nhóm loại tội phạm này, giảm không nhiều so với 2018. Trong 2.500 vụ liên quan đến tín dụng đen trong năm 2018, chỉ có 34 vụ là xử theo tội cho vay nặng lãi chỉ chiếm 2%.

"Đâu là giải pháp xử lý dứt điểm loại tội phạm này?", ông chất vấn.

leftcenterrightdel
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an sẽ trấn áp mạnh mẽ tội phạm băng nhóm xã hội, tín dụng đen  

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng bản chất của tín dụng đen là quan hệ về dân sự, về kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề này lại có một giới hạn nhất định mà nếu vượt qua giới hạn đó sẽ trở thành vấn đề về hình sự. Bộ trưởng đưa ra 3 giải pháp nhằm hạn chế loại băng nhóm tội phạm này.

Thứ nhất, Bộ Công an cần tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen như hiện nay.

Thứ hai, về mặt pháp luật, Bộ trưởng khẳng định những đối tượng đang lợi dụng kẽ hở của luật pháp để gây khó khăn cho việc xử lý loại tội phạm này. Ông Lâm đề xuất khẩn trương có hướng dẫn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị phía ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng, vốn lành mạnh, không cho tín dụng đen có đất hoạt động

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, Bộ đã tham mưu với Thủ tướng ban hành Chỉ thị 12 để cùng các cơ quan quản lý như ngân hàng có giải pháp đa dạng hoá cho vay, tạo điều kiện để người dân vay vốn lành mạnh, không để "tín dụng đen có đất phát triển".

Ngoài ra, Bộ đề xuất với các cấp có thẩm quyền hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới tội phạm tín dụng đen, giải quyết ranh giới giữa tội phạm dân sự, kinh tế và hình sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) tỏ ra lo lắng với các băng nhóm tội phạm hoạt động lộng hành nhất là về ma túy, tín dụng đen gây bức xúc trong dư luận. Bà nhắc đến vụ án nhóm phụ nữ giết người phi tang xác ở Bình Dương và một số vụ án giết người man rợ do các đối tượng sử dụng ma túy gây ra.

“Trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý như thế nào? Đây là vấn đế yếu về nghiệp vụ hay đạo đức công vụ? Giải pháp sắp tới của ngành như thế nào”, bà Hoa đặt câu hỏi.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) tranh luận lại với đại tướng Tô Lâm. Ông Diến cho biết hiện việc xử lý đối tượng hoạt động xã hội đen rất rõ hành vi, nhưng ông quan tâm có hành vi cấu kết giữa cán bộ ngành công an với ngoài xã hội để hoạt động xã hội đen.

“Ai là người chỉ đạo và cung cấp tiền cho các đối tượng xã hội đen ngoài xã hội? Rất cần Bộ Công an có chuyên án xử lý tình trạng này”, đại biểu Thanh Hoá nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu băn khoăn khi trong báo cáo của Bộ Công an không thấy nhắc đến tội phạm kinh tế. Ông hỏi về hướng ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này. Đại biểu An Giang cũng mong Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm về an toàn an ninh mạng, có thuận lợi, khó khăn gì từ sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực.

Buổi chiều, Bộ trưởng Tô Lâm sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu.

Hà Nhân