Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn về việc triển khai thực hiện dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (tại xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin và huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk thống nhất chủ trương cho tạm ứng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2021 với số tiền 75 tỉ đồng theo đề nghị của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (viết tắt là BQLDA tỉnh Đắk Lắk) để triển khai thực hiện thủ tục tạm ứng kịp thời chi trả, bồi thường cho người dân thuộc dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh, BQLDA tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Cư Kuin và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện thủ tục tạm ứng vốn bồi thường giải phóng mặt bằng để kịp thời chi trả cho các hộ dân theo đúng quy định.
Giao BQLDA tỉnh Đắk Lắk chủ động phối hợp Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh khẩn trương thực hiện các thủ tục tạm ứng để chi trả cho người dân trước ngày 19/1/2023. Đồng thời, khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan có sai phạm trong triển khai thực hiện dự án theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
|
|
Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa mới chỉ triển khai một số hạng mục đến nay phải tạm dừng. |
Trước đó, tháng 10/2020 tỉnh Đắk Lắk tổ chức khởi công dự án hồ chứa nước Yên Ngựa, do BQLDA tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư hơn 305 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 207 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 27,5 tỉ đồng…
Dự án có hai công trình hồ chứa, gồm hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và Bông Krang, huyện Lắk).
Dự kiến, dự án hoàn thành trong năm 2022 và sẽ tưới cho khoảng 750 ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, công trình mới chỉ triển khai một số hạng mục (khoảng gần 7 tỉ đồng gói thầu xây lắp) đến nay phải tạm dừng.
Theo báo cáo của HĐND tỉnh Đắk Lắk, đến nay có sáu phương án giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 80 tỉ đồng (tăng hơn 32 tỉ đồng so với kế hoạch đã được phê duyệt). Nếu tiếp tục thu hồi, kinh phí giải phóng mặt bằng có lên đến hơn 180 tỉ đồng (tăng hơn 142 tỉ đồng so với phương án cũ)./.