Ngày 24/2, VKSND tỉnh Phú Yên đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với bản án số 03/2021/HS-ST, ngày 3/2 của TAND huyện Sông Hinh, xét xử đối với bị cáo Trần Tấn Kiều (SN 1977), trú Đông Hòa, Phú Yên, về tội vi phạm qui định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Theo hồ sơ, giữa tháng 5/2020, Trần Tấn Kiều đã vận chuyển (thuê) hơn 20.000kg lâm sản (gỗ và thực vật rừng ngoài gỗ) từ một số điểm thuộc huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh (Phú Yên) đến tỉnh Bình Định, mặc dù biết số lâm sản này không có giấy tờ hợp pháp. 

Tối cùng ngày, khi đang vận chuyển số lâm sản này thì bị lực lượng chức năng huyện Sông Hinh kiểm tra phát hiện. Kết luận giám định tư pháp xác định, trong số lâm sản vận chuyển có gần 4m3 gỗ thông thường và hơn 15.000kg thực vật rừng ngoài gỗ. Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Sông Hinh xác định số lâm sản vận chuyển có tổng trị giá hơn 19 triệu đồng. 

Kiều bị khởi tố do tái phạm, theo qui định tại điểm m khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự. Trước đó vào tháng 3/2020, người này đã bị cơ quan chức năng địa phương xử phạt vi phạm hành chính, mức 10 triệu đồng cùng về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp phép. Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 3/2, TAND huyện Sông Hinh đã tuyên phạt bị cáo Trần Tấn Kiều 9 tháng tù cho hưởng án treo.  

leftcenterrightdel
Bị cáo tái phạm, ý thức chấp hành pháp luật kém, nhưng vẫn được xác định có "nhân thân tốt" để đủ điều kiện được hưởng án treo. Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN. 

Quá trình kiểm sát bản án, VKSND tỉnh Phú Yên nhận thấy, cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử bị cáo Kiều về tội danh qui định tại điểm m khoản 1 Điều 232 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật; tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự (cho bị cáo hưởng án treo đối với án phạt dưới 3 năm, căn cứ vào nhân thân (tốt) của bị cáo) để cho bị cáo Kiều hưởng án treo là không có sơ sở.

Theo Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự, một trong những điều kiện tiên quyết để người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có nhân thân tốt. Điều luật định nghĩa cụ thể, “được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc". Trong khi đó như đã nói, trước thời điểm phạm tội 2 tháng, bị cáo đã có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép và bị cơ quan thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Mặt khác, khoản 2 Điều 52 BLHS chỉ quy định “các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”, mà không quy định là không được dùng để xem xét về yếu tố nhân thân của người phạm tội. Chính bởi vậy, việc xác định bị cáo Kiều là người có nhân thân tốt để đủ điều kiện để được hưởng án treo là không có cơ sở.

Đáng lưu ý, năm 2005 Kiều đã bị TAND tỉnh Phú Yên xử phạt 1 năm 6 tháng tù về tội vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tuy đã được xóa án tích, nhưng vẫn tiếp tục phạm tội do cố ý là thể hiện ý thức chấp hành pháp luật không tốt.

Từ những căn cứ nêu trên, VKSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm theo hướng không cho bị cáo Trần Tấn Kiều được hưởng án treo.

V.H